Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho biết, dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh là đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nên thu phí hòa giải để người muốn hòa giải nộp đơn có trách nhiệm hơn, không vì miễn phí mà “thoải mái” nộp đơn. Nên xem xét thu phí những trường hợp có vụ việc dân sự có giá trị hàng hóa phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên nên.
Tuy nhiên, một số ĐB đồng tình với UBTVQH là Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với một số trường hợp, bởi đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả, cần khuyến khích người dân lựa chọn.
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, một số ý kiến đề nghị các chức danh luật sư, chuyên gia, các nhà chuyên môn khác chỉ cần có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác là được thay vì 10 năm như dự thảo. ..
“Nếu dự thảo xử lý không khéo có thể làm cho ý định tốt đẹp của dự luật này không đạt được, chưa kể có những sự chồng chéo, xung đột với các quy định bản thân của Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện có và các quy định về các chế định hòa giải khác. Để thận trọng, đề nghị ban soạn thảo xem xét xử lý tất cả những điều phát sinh đã được đóng góp, tránh trường hợp luật ban hành chỉ vài năm đã phải sửa”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
“Nói là trước tố tụng nhưng thực ra thủ tục hòa giải nếu như tố tụng, cũng tốn kém nhiều như chi phí đào tạo, chi phí quản lý, điều hành, phải có thêm thẩm phán gánh thêm việc, chi phí địa điểm, chi phí hòa giải, giải quyết khiếu nại. Nói là huy động hòa giải viên từ xã hội, từ những người về hưu nhưng cũng phát sinh rất nhiều công việc và chi phí cho Tòa án. Đề nghị cần cân nhắc, nếu được thì để kỳ họp sau để hoàn chỉnh hơn”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.
Giải trình lại các ý kiến, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hòa giải về mặt bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không có cố chấp. Việc tác động này thông thường là lần lượt các bên và chủ yếu là tác động vào bên đi kiện, tức là bên nguyên.
"Ví dụ như hai bên nợ nần nhau, bên khó khăn không trả được, bên đi đòi đâm đơn kiện thì chủ yếu tác động vào bên đi đòi, làm sao để họ chia sẻ khó khăn của bên bị, chấp nhận bỏ phần lãi suất hoặc giảm bớt một phần, thu lại một phần, 2 bên thỏa thuận với nhau. Hay 2 vợ chồng trục trặc, ly hôn vì cô vợ phát hiện được anh chồng có vi phạm về mặt đạo đức thì chủ yếu tác động chia sẻ, vị tha vì các con”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình: "Người ta có thể rủ nhau lên chùa nhờ hòa thượng nói thêm, những việc này chỉ cần một bên thôi chứ không nhất thiết phải 2 bên dẫn nhau lên chùa. Nếu phải có sự thống nhất của cả hai bên thì hết sức khó khăn, nên hòa giải, đối thoại là một giải pháp linh hoạt".
Nhiều ý kiến đặt vấn đề về lộ bí mật, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, bảo đảm bí mật của câu chuyện hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này, bởi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng, bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật. Thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này.
Chính vì vậy, trong Luật quy định không được ghi biên bản, không được ghi âm, không được ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín.