TS Ngô Phương Lan sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống điện ảnh và hội họa. Hai thân sinh của chị đều là những nghệ sĩ nổi tiếng: cha là họa sĩ - NSND Ngô Mạnh Lân, mẹ là diễn viên - NSND Ngọc Lan. Em ruột chị là họa sĩ Ngô Phương Ly. Con trai của chị, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ từng đoạt giải Cánh diều vàng năm mới 26 tuổi (2015) cùng nhiều giải thưởng điện ảnh khác.
TS Ngô Phương Lan tốt nghiệp Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK - nay là Viện Điện ảnh quốc gia Nga). Sau khi về nước, chị từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VH-TT-DL, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam...
Hiện chị là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương khóa V. TS Ngô Phương Lan từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Tuy nhiên, những người yêu điện ảnh nhớ nhiều nhất đến chị vẫn là ở vai trò nhà lý luận, phê bình hàng đầu của nền điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập của TS Ngô Phương Lan nhận được đánh giá rất cao không chỉ của các nhà phê bình, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, các NSND, NSƯT, nhà biên kịch, nhà làm phim nổi tiếng ở nhiều thế hệ mà còn của các lãnh đạo cũng như đồng nghiệp uy tín.
Hầu hết đều cho rằng: “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập là một công trình rất nghiêm túc, đồ sộ hiếm hoi, vừa mang tính học thuật cao, vừa mang tính hiện thực sâu rộng.
Được viết bởi tác giả vừa là nhà quản lý, vừa là người thực hành và gắn bó với thực tiễn nên đã đưa ra những góc nhìn đa chiều, đầy đủ nhất về nền điện ảnh Việt Nam từ đổi mới đến nay”.
Khi tự nhận xét về công trình của mình, TS Ngô Phương Lan tâm sự: “Khi viết, mục đích của tôi là xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài 37 năm của điện ảnh Việt Nam (1986-2023). Đây cũng là quãng thời gian đầy hạnh phúc với tôi khi được làm nghề một cách miệt mài và say mê dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách…”.
Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập mở đầu với phần khái quát về các tác phẩm điện ảnh, các đạo diễn với những phong cách khác biệt thông qua các bài phê bình phim để khắc họa nên hành trình phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Đó đều là những bộ phim nổi tiếng, có nhiều ảnh hưởng, tác động khi được công chiếu, như: Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng, Hãy tha thứ cho em, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Vị đắng tình yêu, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trăng nơi đáy giếng, Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Vào Nam ra Bắc, Chuyện của Pao…
Có một chi tiết khá đặc biệt là trong danh sách này thiếu bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên (dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Xuân Thiều), từng đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước, được đánh giá là tác phẩm nổi bật về đề tài chiến tranh cách mạng những năm gần đây. Có lẽ, chị đã tế nhị không nhắc đến bởi đạo diễn của phim chính là con trai chị, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, nhận xét: “Tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập đến nay. Điều này rất đáng quý vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều”.
Còn đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến, nguyên Giám đốc Hãng phim Giải Phóng và Hãng Phim truyện Việt Nam, cho biết đã vô cùng tâm đắc với quan điểm của tác giả khi cho rằng thứ làm nên nền điện ảnh Việt Nam không phải là số lượng phim, doanh thu, mà là ở phong cách của mỗi nhà làm phim. Chính phong cách riêng này của mỗi người đã tạo nên sự đa dạng, chất riêng để điện ảnh Việt tìm kiếm cơ hội nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh hiện nay.
Ở phần 2 của tác phẩm, TS Ngô Phương Lan đã cho thấy những suy tư của chị về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Với con mắt vừa của nhà lý luận chuyên môn, vừa của người làm quản lý thâm niên, TS Ngô Phương Lan đã thể hiện rõ trước mắt bạn đọc những thách thức, gập ghềnh trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Và cả những mong ước, nỗ lực trên hành trình quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.
Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023 được tổ chức nhằm mục đích đánh giá, tôn vinh, khích lệ các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình có tác phẩm chất lượng cao và các cơ quan báo chí, xuất bản có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong năm qua.
Đây là tặng thưởng do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tiến hành đánh giá, thẩm định và tổ chức trao tặng hàng năm.
Năm nay, có 25 tác phẩm được nhận tặng thưởng, trong đó có 4 tác phẩm mức B (không có mức A), gồm: Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập (TS Ngô Phương Lan), Neo chữ (nhà lý luận, phê bình Nguyễn Hoài Nam), Nghệ thuật trang trí làng tại Bình Dương (TS Nguyễn Thị Ngọc Điệp), Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại). Ngoài ra, còn có 12 tác phẩm mức C và 9 tác phẩm mức Khuyến khích.