Tác hại của game online
Theo Th.S Bùi Quang Trung, cán bộ quản lý Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trong xu thế bùng nổ internet, các trò chơi trên mạng phát triển với tốc độ chóng mặt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Nhiều bạn trẻ không ăn, không ngủ để dành thời gian chơi game, khiến cuộc sống trong game và đời thường lẫn lộn, dẫn đến các hành vi lệch lạc, phát triển không bình thường về mặt xã hội, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi bạo lực.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới viện để khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần do nghiện game online. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game online vào danh sách bệnh lý về tâm thần và thuộc nhóm những rối loạn do hành vi có tính nghiện ngập cần được giám sát.
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng trẻ nghiện game online, ông Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), cảnh báo: “Game online là cuộc chơi không có điểm dừng. Học sinh chỉ nên chơi game 30 phút/ngày, nếu vượt quá thời lượng này sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, phát triển trí tuệ. Game online như viên kẹo bọc đường, có tác dụng giải trí, mang lại cảm xúc hưng phấn. Tuy nhiên, phần thưởng trong game chính là thuốc độc lôi kéo người chơi, lâu dần ảnh hưởng đến tương lai của chính các em”.
Vai trò cơ quan quản lý
Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân của vấn nạn này không hoàn toàn thuộc về lỗi của người chơi hay trò chơi, mà có trách nhiệm không nhỏ của gia đình, do cha mẹ nuông chiều, thiếu quan tâm tới con cái. TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân, cho rằng, để quản lý game online hiệu quả, cần sự phối hợp có trách nhiệm của nhà quản lý, cơ sở giáo dục, gia đình và bản thân học sinh. Trong đó, nhà trường với trách nhiệm giáo dục cần áp dụng nhiều giải pháp như hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động, tăng cường các giờ học kỹ năng sống, hướng học sinh vào các hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh, tổ chức các chuyên đề giáo dục về quản lý thời gian cho học sinh, thường xuyên phối hợp với gia đình trong quản lý thời gian sinh hoạt của các em.
Ông Lê Minh Dũng, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông Sở TT-TT TPHCM, cho biết, hiện nay tất cả cửa hàng dịch vụ game online chỉ được mở cửa từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối. Hành vi chơi game quá giờ quy định bị phạt từ 600.000 đến 1 triệu đồng, riêng mua bán game trái phép bị phạt ở mức cao hơn từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.
Game online đang lưu hành trên thị trường hiện có 2 loại là game do doanh nghiệp trong nước phát hành với nội dung đã được Bộ TT-TT kiểm duyệt và game phát hành xuyên biên giới (máy chủ từ nước ngoài). Đối với game có máy chủ từ nước ngoài, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chỉ cần có điện thoại di động kết nối internet, người chơi có thể chơi game ở bất cứ đâu, vì thế rất khó kiểm soát. Mặc dù số lượng cửa hàng kinh doanh dịch vụ game có chiều hướng giảm (hiện chỉ còn khoảng 1.200 điểm kinh doanh so với 4.000 điểm vào giai đoạn đỉnh cao) nhưng việc quản lý đòi hỏi chuyên sâu hơn. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan quản lý cần tăng cường các biện pháp chế tài, nâng cao khung hình phạt để tăng sức răn đe, góp phần giảm thiểu thiệt hại do nghiện game gây ra trong xã hội.
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175, chứng nghiện game online được xác định dựa trên 3 biểu hiện: người chơi không kiểm soát được tần suất, thời gian và liều lượng chơi; luôn ưu tiên việc chơi game hơn tất cả hoạt động khác; vẫn tiếp tục chơi khi đã xảy ra hậu quả xấu (như kết quả học tập suy giảm, ảnh hưởng hành vi xã hội, giảm dần các mối quan hệ…). Người nghiện game online sẽ có biểu hiện bồn chồn, mệt mỏi, cơ thể béo phì, giảm thị lực, ảnh hưởng cột sống, giảm trí nhớ, mất tập trung, thay đổi hành vi và nhân cách... Quá trình điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và biện pháp khác nhau như cách ly người bệnh với môi trường game online, dùng thuốc an thần trong một số trường hợp cần thiết, kết hợp điều trị chống trầm cảm với các liệu pháp về tinh thần. |