Cao su chết tràn lan
Từ năm 2008, tỉnh Gia Lai cấp phép cho khoảng 16 doanh nghiệp thực hiện 44 dự án trồng cao su trên đất rừng tự nhiên nghèo với diện tích hơn 32.000ha. Trong đó, diện tích đã trồng cao su hơn 25.500ha. Tuy nhiên, sau trồng, cao su chết hàng loạt.
Theo chân cán bộ xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để mục sở thị vườn cao su được chuyển đổi từ rừng nghèo của Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (gọi tắt là Công ty Quang Đức), chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích cao su bị chết, chỉ còn trơ đất; các quả đồi khác, cao su còn sống nhưng còi cọc; nhiều khoảnh cao su dù trồng hơn 10 năm nhưng to bằng… bắp tay.
Theo một cán bộ xã Ia Pnôn, ban đầu, dự án do một đơn vị khác thực hiện, sau này mới giao lại cho Công ty Quang Đức. Trong số khoảng 850ha đã chuyển đổi trồng cao su của dự án, hiện còn khoảng 100ha, nhưng cây kém phát triển. Số diện tích còn lại đa phần cao su bị chết, bị cháy... Trên đất cao su chết, có thời điểm đơn vị cho dân thuê trồng dưa nhưng cũng không hiệu quả.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, cử tri huyện Đức Cơ đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành kiểm tra, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất đã cho Công ty Quang Đức thuê để sớm có biện pháp xử lý phù hợp, tránh tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả trong thời gian dài.
Tương tự, tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, nhiều diện tích cao su được chuyển đổi từ rừng nghèo cũng chết la liệt. Qua ghi nhận, diện tích cao su chuyển từ rừng nghèo ở xã Ia Mơ do nhiều đơn vị quản lý nhưng hầu hết cây chậm phát triển, một phần lớn diện tích doanh nghiệp cho người dân mượn để canh tác nông nghiệp.
Tại các xã Ia Ga, Ia Lâu, Ia Me (huyện Chư Prông) và xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, cùng thuộc tỉnh Gia Lai), cao su cũng bị chết, kém phát triển. Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho biết, trên địa bàn huyện, diện tích chuyển đổi sang trồng cao su rất lớn, khoảng 11.000ha. Diện tích này tập trung chủ yếu ở các xã Ia Mơ, Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Me, Ia Puch…
Điệp khúc chuyển đổi
Việc cây cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết, kém phát triển đã được HĐND tỉnh Gia Lai kiểm tra, phát hiện vào năm 2015. Nguyên nhân được xác định do cây cao su trồng nơi vùng đất thấp, bị ngập úng, thổ nhưỡng một số vùng không phù hợp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là tổ chức triển khai dự án còn chủ quan, nóng vội; doanh nghiệp lập dự án chỉ quan tâm đến việc giao đất nên công tác khảo sát về điều kiện thổ nhưỡng để trồng cao su chưa kỹ, đã đưa một số diện tích đất chưa phù hợp vào trồng cao su.
Theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, trong tổng số khoảng 25.000ha cao su đã trồng nói trên, đã có 12.039ha cây cao su bị chết, kém phát triển được Chính phủ và Bộ NN-PTNT cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loài cây khác. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tổ chức trồng thử nghiệm một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trong khu vực, làm cơ sở để lập dự án chuyển đổi cây trồng.
“Thời gian tới, khi các doanh nghiệp có báo cáo kết quả trồng thử nghiệm thành công các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cao su bị chết, kém phát triển, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp các sở ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thành công các mô hình và hướng dẫn các doanh nghiệp lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết.
Còn theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, ngoài số diện tích 12.039ha cây cao su bị chết, kém phát triển đã được cho phép chuyển đổi sang cây trồng khác, thì diện tích cao su còn lại (khoảng 13.000ha), mặc dù các doanh nghiệp đã đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nhưng cây vẫn bị chết, kém phát triển.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị trung ương cho chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, theo Bộ NN-PTNT, cây cao su đã không phát huy hiệu quả, nhưng để chuyển đổi cây trồng khác, cần tính toán phù hợp thổ dưỡng, khí hậu, nhu cầu thị trường…, từ đó có mô hình chuyển đổi hiệu quả, tránh điệp khúc “chuyển đổi” gây lãng phí.