Khai tử rừng thông
Huyện Kon Plông được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên với những khu rừng thông tuyệt đẹp nằm trải dài qua nhiều xã, là điểm nhấn du lịch của vùng. Trong số đó, du khách đặc biệt ấn tượng với khu rừng thông xanh ngát, nằm vắt qua những quả đồi cao hun hút ở xã Đắk Long. Tuy nhiên những ngày qua, nhiều du khách đi qua đây bỗng giật mình khi thấy đồi thông đẹp mê hồn ngày nào đã bị phá sạch.
Có mặt tại quốc lộ 24, đoạn qua xã Đắk Long, từ bên ngoài, đã thấy những đồi thông bị cắt tỉa cây to, chỉ còn thưa thớt vài cây nhỏ. Đi sâu vào những con đường đất đỏ do đơn vị tận thu gỗ xẻ núi làm, những đồi thông bị phá trụi lồ lộ hiện ra. Có đồi thông vừa mới bị cạo trọc, gỗ đã cắt khúc chở đi, chỉ còn cành nhánh nằm phơi trên đất. Một số quả đồi khi phá xong còn bị đốt trụi. Những đồi thông khác vừa mới bị chặt, cây ngã ngổn ngang, nhựa còn mới.
Theo tìm hiểu của PV, rừng thông bị triệt hạ nói trên nằm ở các khoảnh 8, 9, 12 và 13 (tiểu khu 481, xã Đắk Long). Vào tháng 1-2017, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty TNHH Đăng Vinh (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thuê đất để triển khai dự án trồng cây mắc ca. Thời hạn cho thuê là 50 năm, tổng diện tích là 198ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó diện tích do UBND xã Đắk Long quản lý là 11,16ha (đất có rừng gỗ trồng là 5,3ha); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý 187ha (đất có rừng gỗ trồng là 117ha).
Ông Văn Đăng Thái, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plông, cho biết, diện tích rừng chuyển đổi sang trồng mắc ca là rừng thông được trồng từ năm 1992 và năm 1996. Trong số 117ha nằm trong vùng dự án do đơn vị quản lý, chủ rừng đã thuê đơn vị có chức năng để khai thác, tận thu xong gỗ trên diện tích 91ha. Số diện tích có rừng còn lại thì chủ dự án giữ lại làm cảnh quan.
Cần cân nhắc kỹ
Theo ông Bùi Thanh Phong, Chánh Văn phòng UBND huyện Kon Plông, rừng chuyển đổi sang trồng mắc ca trên địa bàn là rừng thông trồng. Trong khi đó, chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tuyên bố đóng cửa rừng là áp dụng đối với rừng tự nhiên nên dự án chuyển đổi rừng thông sang trồng mắc ca nằm ngoài phạm vi chỉ đạo. Trên địa bàn chủ yếu là rừng nguyên sinh, còn rừng thông trồng có mấy ngàn hécta, nhưng không phải chỗ nào cũng trồng cây công nghiệp được. Về diện tích rừng thông, chủ trương của huyện là để lại làm cảnh quan chứ không phải khai thác, chuyển đổi toàn bộ diện tích.
Đại diện chính quyền địa phương nói vậy, nhưng chứng kiến rừng thông tuyệt đẹp phải xóa sổ để trồng mắc ca, nhiều người dân và du khách không khỏi tiếc nuối. Theo tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cần cân nhắc kỹ khi phá rừng thông trồng mắc ca. Lý do là hiệu quả kinh tế của cây mắc ca cũng chưa rõ ràng.