Theo ông Trần Ngọc Tam, bến phà Rạch Miễu tạm đi vào hoạt động không chỉ phục vụ cho việc đi lại của bà con, mà còn phục vụ vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Bến Tre nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung. Hiện đường dẫn vào bến phà tạm đang được các đơn vị tập trung hoàn thiện mặt đường và hạ tầng kỹ thuật.
Ông Tam thông tin thêm, khi bến phà Rạch Miễu tạm đi vào hoạt động sẽ có 3 chiếc phà để đưa đón khách. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế mà tỉnh Bến Tre sẽ đề xuất thêm số lượng phà để phục vụ bà con tốt hơn. Dự kiến sẽ tăng lên tổng cộng 6 chiếc khi nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại của bà con tăng cao.
Được biết, cầu Rạch Miễu chính thức thông xe vào năm 2009, nối liền 2 tỉnh Bến Tre – Tiền Giang. Nhưng hiện nay, lượt phương tiện vận tải tăng cao, khoảng 18.000 lượt/ngày đêm, cầu Rạch Miễu hiện hữu không đáp ứng được, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào những dịp lễ, tết và giờ cao điểm, các ngày cuối tuần.
Để giải quyết tình trạng nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre theo đề xuất của Bộ GTVT. Dự án có tổng mức đầu tư là trên 5.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương.
Dự kiến thời gian thi công từ năm 2021 đến năm 2025. Tuy nhiên, trong lúc chờ thi công cầu Rạch Miễu 2, tỉnh Bến Tre đã đầu tư bến phà Rạch Miễu tạm tại bến đò Song Thuận (nối xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cách cầu Rạch Miễu hiện tại khoảng 10km về phía thượng nguồn, để giải quyết tình trạng kẹt xe trong khi thi công và dịp Tết Nguyên đán 2021. Tổng kinh phí thực hiện toàn dự án khoảng 100 tỷ đồng.