Phá núi, phạt đồi - Chưa hồi kết! - Bài 4: Chung tay bảo vệ “mẹ thiên nhiên”

Ngoài vùng “rốn” thiên tai miền Trung, Tây Nguyên, năm nay nhiều tỉnh miền Bắc bị thiệt hại hạ tầng nặng nề do bão số 3, hàng trăm người thương vong sau những trận sạt lở núi kinh hoàng. Đó là một phần hệ lụy của tình trạng băm nát đồi núi tràn lan. Vì vậy, phải sớm có giải pháp đồng bộ, căn cơ góp phần gìn giữ, tái tạo môi trường tự nhiên.

Thiên tai hay “nhân tai”?

Chúng tôi đặt lên bàn làm việc của ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, những ghi nhận thực tế về tình trạng đồi núi bị xâm hại, tàn phá khắp nơi.

BAI 4 (11).JPG
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, bày tỏ lo lắng trước thực tế đồi núi bị xâm hại, đào phá khắp nơi. Ảnh: NGỌC OAI

Ông Hồ Đắc Chương trăn trở: Một khi xảy ra các thảm họa về sạt lở, chúng ta thường hay đổ lỗi cho thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, dù nguyên nhân cốt lõi do chính con người tác động nhiều đến thiên nhiên. Theo tôi, đồi núi bị xâm hại bắt đầu từ khi con người có tư duy “bắt rừng đẻ ra tiền”, xuất phát từ phong trào độc canh 2 loài cây keo tràm, bạch đàn. Sau này, làn sóng công trình và mỏ khoáng sản càng góp phần khiến núi non bị cưỡng bức nhiều hơn. Giải pháp bây giờ là phục hồi, nuôi và tái tạo mảng xanh đầy đặn nhằm giữ đất, ngăn sạt lở…

Từ gợi ý này, chúng tôi liên hệ với hiện tượng sạt lở ở núi Cấm (huyện Phù Cát) và núi Trà Cong (huyện An Lão). Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã lên kế hoạch chi hàng trăm tỷ đồng di dời dân trước nguy cơ sạt lở 2 núi này. Sau đó, hai huyện An Lão, Phù Cát đề xuất tỉnh thu hồi trên 110ha rừng sản xuất ở núi Cấm và núi Trà Cong để tái tạo, phục hồi rừng phòng hộ. Như vậy, không phải chi hàng trăm tỷ đồng ngân sách di dời người dân.

BAI 4 (5).jpg
Một khu vực chân núi Hóc Giảng (đoạn xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã bị đào phá tan hoang để lấy đất san lấp để lại hiện trường ngổn ngang hầm hố. Ảnh: NGỌC OAI
BAI 4 (14).jpg
Chính quyền tỉnh Bình Định đang tìm cách để "chữa lành vết thương" cho núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) sau khi núi này sạt lở. Ảnh: NGỌC OAI
13.jpg
Dọc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh dôi ra khoảng 7 triệu m3 vật liệu (đất, đá, sỏi) từ san gạt dự án được đổ thải ra các lưng núi rất khó tái sử dụng. Ảnh: NGỌC OAI
1.jpg
Xe tải mỏ đất TDTS23 (núi Thơm, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) phục vụ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn liên tục né trạm cân điện tử vào chiều 6-9-2024. ẢNH: NGỌC OAI

Trở lại vùng thượng Sông Gianh, chúng tôi đến gặp ông Hoàng Minh Đề, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, để tìm hiểu cặn kẽ việc tập thể lãnh đạo huyện này cách đây 20 năm đã thuyết phục thành công HĐND tỉnh Quảng Bình không đánh đổi 102ha đất rừng làm mỏ đá ở xã Thạch Hóa.

Ông Hoàng Minh Đề nhớ lại: “Thời đó, để loại bỏ được 102ha quy hoạch mỏ đá cứu lấy vùng núi đá vôi và sinh cảnh liền kề ở Thạch Hóa, chúng tôi gặp rất nhiều áp lực. Doanh nghiệp nói sao làm khó họ, cấp trên cũng ý kiến. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo huyện đồng lòng, kèm các báo cáo khoa học nên đến năm 2018, HĐND tỉnh đồng ý bỏ quy hoạch mỏ đá… Nhờ vậy, diện tích 102ha đá vôi được sáp nhập với vùng đá vôi rộng lớn các xã Thạch Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa… đã tạo nên quần thể bảo tồn đàn voọc gáy trắng quý hiếm”.

Lúc đó, trên địa bàn huyện còn quy hoạch 18 mỏ đá, đất và cát nhưng cái nào đụng vào các dãy núi đá vôi thì ông Hoàng Minh Đề kiên quyết không cho phép. Nội dung này sau đó trở thành nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa. Nhờ vậy, đến nay huyện Tuyên Hóa còn nhiều dãy núi đá vôi hùng vĩ, được ví như “vịnh Hạ Long khô” của Quảng Bình.

&5A.jpg
Nhờ loại bỏ khỏi quy hoạch 102ha mỏ đá, người dân các xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình) sống an lành dưới những rặng núi đá vôi xanh tươi. Ảnh: MINH PHONG

Để đáp ứng đủ vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16-6-2021, áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thi công, với việc xác định rõ trách nhiệm đến từng địa phương, bộ ngành. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, đa dạng sinh học; kiểm soát chặt chẽ khai thác và xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong năm 2022, 2023, Chính phủ tiếp tục có những nghị quyết, công điện, chỉ đạo mới để cập nhật, bổ sung cơ chế đặc thù, tháo gỡ vướng mắc… Dù vậy, vi phạm vẫn xảy ra. Bên cạnh những vụ việc đã được xử lý, còn một số vụ vẫn còn “treo” hoặc mới phát sinh.

“Trám lỗ hổng”, siết chặt kỷ cương

Những ngày thâm nhập, tìm tư liệu cho loạt bài này, chúng tôi được lắng nghe từ đại diện sở ngành, địa phương trăn trở là Luật Khoáng sản quy định chủ đầu tư mỏ, nhà thầu công trình nhà nước phải tự thỏa thuận với người dân mới được cấp phép khai thác mỏ.

Trong khi đó, khung giá bồi thường của Nhà nước và giá thị trường khác nhau nên khi thỏa thuận với người dân thì “9 người, 10 ý”. Và, khi doanh nghiệp thỏa thuận không được với người dân thì tìm cách “xé rào”, đi đêm thỏa thuận, mua đất vài hộ dân để tự ý đào đất đi san lấp cho kịp tiến độ công trình, còn đồi núi và cảnh quan thì “ai ở nấy chịu”.

Chúng tôi đem những thông tin, hình ảnh về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở núi Bà (khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đến hỏi Chủ tịch UBND thị trấn Huỳnh Kim Anh. Ông cho biết đã phối hợp Phòng TN-MT huyện thành lập tổ kiểm tra hiện trường. Địa phương vẫn đặt “cơ sở bí mật” ở đây để tăng cường giám sát, nếu bắt quả tang nhóm đối tượng sai phạm sẽ chuyển qua xử lý hình sự.

Lật lại hồ sơ, ngày 13-7-2021, tại núi Phá Cụm (xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp), Công an tỉnh Nghệ An đã phá vụ án khai thác khoáng sản trái phép có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với 24 đối tượng cùng nhiều máy móc và khoảng 1.200m³ đá trắng bị tạm giữ.

Ngoài 5 đối tượng bị khởi tố, tháng 6-2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An đã thi hành kỷ luật Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng, Trưởng phòng TN-MT huyện Lê Sỹ Hào, Phó phòng TN-MT huyện Nguyễn Minh Khôi; Bí thư Đảng ủy xã Châu Lộc Lữ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Vi Văn Hùng và Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Xuân Hùng. Thực tế vụ việc cho thấy, khi chính quyền địa phương xử lý triệt để, sẽ “chặt đứt” những “mắt xích” và xử lý trách nhiệm từng cá nhân, lãnh đạo liên đới.

Duy Cường.13.jpg
Doanh nghiệp khai thác đá ở núi Lèn Cò (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) từng xảy ra nhiều vi phạm bị xử phạt nhưng đến nay các bất cập vẫn không thay đổi. Ảnh: DUY CƯỜNG

Trong khi đó, GS Lê Trung Chơn, Trường Đại học TN-MT TPHCM, nhắc lại thông điệp mà lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh về quan điểm phát triển “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển ở một số địa phương lại bất cập ở khâu tổ chức, thực hiện.

BAI 4 (8).JPG
GS Lê Trung Chơn, Trường Đại học TN-MT TPHCM, trao đổi với PV Báo SGGP về bất cập, lo ngại trước thực tế đồi núi khắp nơi bị xâm hại, đào phá

“Trong câu chuyện khai thác mỏ ở đồi núi, có một nội dung rất quan trọng là trách nhiệm hoàn thổ, tái tạo bề mặt tự nhiên, phục hồi rừng. Cái này đã quy định rõ trong giấy phép khai thác mỏ, nhưng do một số địa phương giám sát kiểu cho có, các doanh nghiệp khai thác mỏ thì đối phó, thậm chí không hoàn thổ. Bất cập này “khoét sâu” hơn mức độ tác động và chặt đứt phần gốc, xóa sổ hẳn đồi núi. Vì vậy, trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, nên tích hợp các chỉ số sinh khối xanh, carbon và lựa chọn loại cây xanh phù hợp để hoàn thổ từng bề mặt khu mỏ đã khai thác...”, GS Lê Trung Chơn đề xuất.

Suốt quá trình ghi nhận, thu thập tư liệu trên những vùng “non cao gấm vóc” dọc dải miền Trung, Tây Nguyên, chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi đồi núi xanh tươi ngày nào giờ bị xâm hại, tàn phá nặng nề. Việc khai thác đồi núi để trục lợi không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn có tội với thiên nhiên và con người. Mặc dù có những động thái, tín hiệu tích cực, khắc phục thực trạng này ở một số địa phương, nhưng câu chuyện phá núi - phạt đồi xem ra chưa có hồi kết, nếu công tác quản lý địa bàn bị thả nổi, xử lý sai phạm còn “giơ cao đánh khẽ”.

BAI 4 (4).JPG
Không còn cách nào khác, tỉnh Quảng Ngãi đang chi hàng chục tỷ đồng để "khoác bê tông" lên núi Van Cà Vãi (ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) để chống sạt lở, bảo vệ các nhà dân

Tăng phân cấp, phân quyền

Theo số liệu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong 5 năm qua, Bộ TN-MT đã mở 12 cuộc thanh tra, 40 cuộc kiểm tra việc chấp hành về khoáng sản, phát hiện, xử phạt 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Theo Bộ TN-MT, trách nhiệm trên hết thuộc về các địa phương, người đứng đầu địa phương và cả hệ thống chính trị cùng giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý sớm các vi phạm.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng sẽ đề cập đến việc phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Thời gian tới, Bộ TN-MT tiếp tục phối hợp Bộ Công an đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và cùng các địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ này.

Tin cùng chuyên mục