Mai một cảnh quan
Xứ Thanh là vùng đất “Thanh kỳ khả ái”, nơi “non núi tụ long khí của đất trời”. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, núi non vẫn sừng sững, nhưng chỉ chục năm trở lại đây, chúng dần trở nên tan hoang. Trong đó, quần thể núi Vức từng là chốn “tựa lưng” cho nhiều ngôi làng ở xã Đông Quang (huyện Đông Sơn), xã Đông Vinh và phường An Hưng (TP Thanh Hóa) đang bị đánh đổi để khai thác đá.
Từ quốc lộ 1A tuyến tránh TP Thanh Hóa, chúng tôi tìm đến quan sát khung cảnh núi Vức bị “xẻo thịt”. Tiến vào dưới chân núi, nhiều hầm hố đã bị các máy đào moi sâu hoắm để lấy đá, mấy ngọn núi lớn đã bị cắt cụt đầu. Ông Đàm Toan (người dân thôn 1, xã Đông Quang) ngậm ngùi kể, ngày xưa núi Vức được xem là “hòn non bộ” của người dân trong vùng. Núi không chỉ che chắn gió bão mà còn nuôi người, sản sinh củ quả giúp dân làng vượt bao nạn đói. Thung lũng trong núi như một thế giới cổ tích với rừng cây xen đá, chim chóc líu lo. “Đúng là miệng ăn núi lở, nhưng ăn tham quá, tàn quá. Mới khoảng 20 năm cho khai thác, bây giờ núi non tan hoang”, ông Toan xót xa…
Núi Đụn (ở xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) có vai trò rất lớn trong không gian văn hóa - du lịch kết nối các di tích quốc gia, như: Đình Gia Miêu, Lăng miếu Triệu Tường, Nhà thờ họ Nguyễn Hữu; các di tích cấp tỉnh như: Đền Rồng - Đền Nước, Đền Quan Hoàng Triệu Tường, Hồ Bến Quân… Nhưng không hiểu sao, từ năm 2017, núi Đụn bị quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Vừa qua, khi doanh nghiệp phá núi lấy đá đã phát hiện một hang động dài 70m với những suối ngầm, thạch nhũ tuyệt đẹp nằm trong lòng núi, với một số đồ gia dụng bằng gốm cổ... Ông Vũ Đình Sỹ, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa), thở dài tiếc cho những di sản ông cha bao đời gìn giữ, giờ không lấy lại được. Trong đó, ở núi Đụn có thể do khảo sát không kỹ lưỡng nên cấp phép mỏ đá, giờ phát lộ hang động thì cảnh quan đã bị phá.
Ngược vào xứ Nghệ, từ thị trấn Quỳ Hợp, chúng tôi vượt lên các bản làng người Thái bên dòng Nậm Tôn. Dọc đường đi, chúng tôi rùng mình vì dòng Nậm Tôn sủi bọt, nước lẫn màu vàng, đỏ, trắng đục. Lân la hỏi thăm người dân địa phương, được biết dòng Nậm Tôn đổi màu đỏ quạch bắt nguồn từ các mỏ đá, mỏ quặng ở đầu nguồn bị rửa trôi khi mưa xuống.
>> Video người dân tỉnh Phú Yên phản ánh về vấn đề đồi núi bị xâm hại, hệ lụy ô nhiễm, thiên tai:
Chúng tôi đến nhà thăm ông Sầm Văn Bình (chuyên gia nghiên cứu văn hóa người Thái) để rõ hơn câu chuyện về dòng Nậm Tôn. Thấy vẻ lo lắng của chúng tôi, ông Bình thở dài: Châu Quang xưa kia là vùng non nước hữu tình với nhiều núi non bao quanh các bản làng và dòng Nậm Tôn hiền hòa, xanh mát. Nhưng từ khi tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt, rộng khắp, không gian sống của đồng bào đã bị phá vỡ.
Tương tự, ở vùng thượng sông Gianh, cụ Bùi Chút (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng tiếc nuối kể về 2 ngọn Lèn Bảng và Lèn Thanh Thủy, kiệt tác gắn với tên làng, tên xã đã bị mỏ đá “đục đẽo” dần biến mất vĩnh viễn. “Lèn Bảng ngày xưa hùng vĩ và nổi tiếng lắm! Trong đời sống tinh thần của bà con, núi này đi vào thơ ca, hò vè của dân làng và các nhà thơ, danh nhân. Nhưng nay, núi bị đào phá để lấy đá nghiền xi măng, nên mỗi năm Lèn Bảng “báo thù” con người bằng cách biến mất vẻ đẹp vĩnh viễn!”, cụ Chút kể.
Ngược về quê hương nhà Tây Sơn Tam Kiệt, cụ Đỗ Phong (76 tuổi, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) kể lại lịch sử “đẻ đất, đẻ núi” vùng thượng sông Kôn. Cụ tự hào giai thoại thần Lía, vị thần trong tâm thức người “xứ Nẫu” mang cốt cách anh hùng, cao thượng, có trí tuệ và sức mạnh dời sông lấp biển, kiến tạo thế núi, thế sông. Giờ các ngọn núi lớn như Chóp Vàng, núi Heo đang bị “xẻ thịt”, trong đó núi Thơm nằm gần tháp Chăm cổ Dương Long, cũng bị đào phá lấy đất san lấp. “Mất dần hết núi, chúng tôi cảm thấy như mất đi một cái gì đó cứ treo lơ lửng trong tâm hồn”, cụ Đỗ Phong thở dài.
Cái tên núi Cấm (thôn Mỹ Phụng, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đủ nói lên vai trò quan trọng của nó trong quan hệ cộng sinh với cộng đồng dân cư xung quanh. Cụ Nguyễn Ngọc Hoa (81 tuổi) - “gia phả sống” ở làng Mỹ Phụng, kể, làng này sản sinh ra nhiều con em hiếu học, nhân tài. Cũng từ các chiến công gắn liền với núi Cấm nên làng Mỹ Phụng có đến 21 gia đình liệt sĩ và 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Về mặt tâm linh, núi Cấm gắn với giai thoại về vị thần “Ông Trụ”, người khai sơn lập thủy. Nhưng nay, núi Cấm không còn… cấm, mà đã bị chia chác để phân lô trồng rừng kinh tế, bị đào phá lấy đất san lấp hoặc bị cắt xẻ bởi dự án.
"Băm nát" danh thắng
Làn sóng đào phá, xâm hại đồi núi ở tỉnh Lâm Đồng vẫn đang tái diễn bằng nhiều hình thức và ngày càng tinh vi hơn. Trong đó, “cơn lốc” cải tạo địa hình đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sử dụng công nghệ trồng trong nhà kính, đang tạo ra vô vàn áp lực lên các thắng cảnh, đồi núi ở “xứ sở ngàn hoa”. Chính nhu cầu phát triển này đã tạo cơ hội để người ta mặc sức tìm mọi cách san ủi, đào phá làm “tan biến” bao cảnh quan trời cho.
Từ các nguồn tin báo, chúng tôi đã có những đợt thâm nhập để ghi nhận thực trạng công trình san đồi, bạt núi để “ăn theo” các thắng cảnh, đồi núi nổi tiếng ở huyện Lạc Dương. Ở các xã Đạ Sar và tiểu khu 94A, xã Đạ Nhim, tình trạng san gạt, đào múc đồi núi đang diễn ra hết sức rầm rộ. Từ quốc lộ 27C, chúng tôi men theo đường mòn dẫn vào các khu sản xuất nông nghiệp của người dân thuộc khu Bãi Sậy (xã Đạ Sar). Khác với khung cảnh bình yên ban ngày, ban đêm ở đồi núi Bãi Sậy thường là những “chiến trường” của giới san gạt, đào múc đất đồi núi để mở rộng mặt bằng.
Lần theo tiếng động cơ máy đào, chúng tôi tiếp cận hiện trường khu vực các đối tượng đang san gạt, đào đất rừng. Tuy nhiên, đi được khoảng 1km, gần đến hiện trường thì máy móc bỗng tắt vụt, để lại màn đêm đen kịt, tĩnh mịch. Ông V.V.T. (người dẫn đường) rỉ tai: “Chắc có động, họ ngừng rồi. Do chính quyền đang siết chặt, nên các đối tượng thuê máy đào lén lút làm đêm, khi có động thì tẩu tán ngay”. Tương tự, tại tiểu khu 94A, nhiều đối tượng lợi dụng thắng cảnh tham quan nổi tiếng vườn thú Zoodoo để từng ngày đào bạt, lấn chiếm đất rừng mở rộng mặt bằng.
Dọc ven biển các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, lâu nay các ngọn núi, bán đảo xanh tươi trước biển, như: Chín Khúc, Hòn Rớ, Cô Tiên, đảo Hòn Tằm (cùng TP Nha Trang), hay bán đảo Phương Mai, các khối núi phía Đông dãy Núi Bà (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)… đã bị xâm hại, làm biến dạng bởi các dự án du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản, resort, sân golf, điện gió, điện mặt trời… Men theo đường biển từ bán đảo Phương Mai (tỉnh Bình Định) ra ven biển Cát Tiến - Đề Gi, nhiều mảng xanh cây rừng xen lẫn rặng đá đẹp hút hồn đang bị “xóa sổ” để làm dự án du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, biệt thự. Núi Bà đang bị “đục khoét”, đào bạt những mảng rừng xanh để xây dựng các ngôi nhà bê tông theo lối kiến trúc chùa chiền, cùng bể bơi, khách sạn…
Sau thời kỳ “hô biến” thắng cảnh núi Chín Khúc (TP Nha Trang) thành các biệt thự, nhà ở, đất cho thuê, khiến dãy núi này bị phá nát, biến dạng, đến nay địa phương không thể khắc phục được. Trong quá trình xử lý các sai phạm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thu hồi hơn 380/513,53ha đất mà một số cựu lãnh đạo tỉnh này trước đây đã ký “bán núi” cho doanh nghiệp. Diện tích thu hồi này được đưa vào để khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ và phục hồi môi trường rừng.
TRƯƠNG NHÂN