Chiêu “ăn”… đất sét
Nguồn lợi đất sét ở tỉnh Bình Định đang được ví như “vàng xám” song lâu nay đang thất thoát, “chảy máu” nghiêm trọng. Chúng tôi tìm đến anh T., một “thổ địa” về đất đai ở huyện Tây Sơn, nhờ giúp đỡ. Anh T. liệt kê cho chúng tôi một số điểm nóng “vàng xám” và kể: “Lâu nay, các DN thường săn lùng, thu mua các vùng ở đồi núi, nương vườn, ruộng dân, sau đó huy động máy móc, xe tải thăm dò, moi sâu lấy đất sét và sỏi màu (một dạng khác của đất sét) để bán. Mỗi xe tải chở khoảng 6 tấn đất sét bán 3 triệu đồng/xe; loại xe tải 10-12 tấn thu khoảng 5-6 triệu đồng/xe”, anh T. nói.
Từ giới thiệu của anh T., chúng tôi đến khu vực cụm công nghiệp Phú An và Tây Xuân (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) gặp ông Ng.H. để tìm hiểu hiện trạng 2 cụm công nghiệp nằm quanh núi Chóp Vàng. Hai cụm công nghiệp này đang là đại công trường với những bãi đất sét, cát khổng lồ tràn rộng khắp khu đất hàng chục hécta.
>>>Clip toàn cảnh hoạt động khai thác "đất sét" cả ngày lẫn đêm ở núi Chóp Vàng (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, Bình Định) vào các tháng 8, 9-2024:
Từ thông tin của các “thổ địa”, chúng tôi “mật phục” nhiều ngày đêm, ghi nhận hoạt động khai thác 2 khu mỏ đất sét và đá sát nhau. Trong đó, mỏ đất do Công ty TNHH Thương mại Thế Sang (Công ty Thế Sang) trúng đấu giá khai thác làm vật liệu san lấp trên địa bàn thôn Phú An (xã Tây Xuân), nhưng thực tế vào các tháng 7, 8 và 9-2024, DN này huy động máy đào, xe tải chủ yếu mở núi moi sâu dưới tầng đáy để lấy đất sét. Họ còn cho một chủ lò gạch khác vào đây đào moi sâu đáy núi lấy sỏi màu, đất sét mang ra ngoài.
Đào ban ngày chưa đủ, Công ty Thế Sang còn huy động cơ giới khoét núi cả ban đêm. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận cảnh khai thác đất rầm rộ. Đêm 23-8-2024, có 2 máy đào cùng nhiều xe tải pha đèn để tạo nguồn sáng đào núi lấy đất sét ở khu vực mỏ của Công ty Thế Sang.
Đêm 30-8, các xe tải mang biển kiểm soát 77K-92…, 77K-54… tiếp tục lên núi để “ăn” đất sét. Sát chân núi Chóp Vàng là công trường dự án đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong. Trong các ngày 20-8, 17-9-2024, hàng loạt xe tải thoải mái chở vật liệu đất sét, đá từ san gạt núi qua đường tránh này để đưa ra ngoài tiêu thụ.
Trục lợi công khai
Chiều 16-9, chúng tôi có mặt tại chân núi Bà (khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Thời điểm này có 4 phương tiện, máy móc vào đào đất. Qua quan sát, dễ dàng nhận thấy một vùng đồi rộng lớn dưới chân núi Bà đã bị đào sâu hoắm. Thấy chúng tôi, một thanh niên lao đến, yêu cầu rời núi ngay.
Rạng sáng 17-9, chúng tôi trở lại “phục” sẵn ở chân núi Bà. Khoảng 6 giờ sáng, trên núi, đập vào mắt chúng tôi là 1 chiếc xe đào không ngừng khoét, đào lấy đất. Từ bên ngoài, nhiều xe tải loại 6-8 tấn liên tục ra vào “ăn hàng”.
>>>Clip hoạt động khai thác đất trái phép, trục lợi tan hoang núi Bà, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào tháng 9-2024:
Tầm 9 giờ sáng, chúng tôi bám theo xe tải biển số 78C-06… từ khu mỏ chân núi Bà mang đất ra ngoài tiêu thụ. Xe tải này theo con đường công vụ cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh hòa vào dòng xe tải chở vật liệu cao tốc để ra quốc lộ 1A đi hướng Nam - Bắc.
Theo quốc lộ 1A, xe này rẽ hướng đường ĐH31 rồi ghé vào đổ đất “bán hàng” cho một hộ dân đắp nền (ở khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh). Xe tải này rời đi một lát, xe tải khác biển số 78C-09… tiếp tục vào “đổ hàng”. Tiếp cận chủ nhà mua đất, được biết mỗi xe chở 6 khối đất, bán với giá 380.000 đồng/xe; chủ nhà cần 30 xe đất như thế.
Tiếp tục trở lại chân núi Bà, chúng tôi ghi nhận thêm một số xe tải mang số hiệu 78C.04…, 78C.07… không ngừng “ăn đất”. Theo người dân địa phương, nạn khai thác đất trái phép ở núi Bà diễn ra nhiều năm qua, số tiền bị trục lợi có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Trả lời về sự việc ở núi Bà, ông Huỳnh Kim Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh và ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, cho rằng, địa phương đã nắm bắt chuyện khai thác đất trái phép ở đây, từng nhiều lần “mật phục” để bắt quả tang, xử lý nhưng các đối tượng vẫn lén lút hoạt động (!?).
Bất lực với “đá tặc”
Núi Hòn Chà (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) là cái tên mỗi khi nhắc tới khiến giới chức trách ở tỉnh Bình Định “vò đầu, bứt tóc” bởi “đá tặc” hoạt động dai dẳng. Thâm nhập núi Hòn Chà từ các ngõ, ngách ở sườn phía Đông, chúng tôi không khỏi đau xót khi thấy tại nhiều vị trí chân núi, các DN đang ra sức đào cắt, “đục khoét” sâu vào lòng núi để tận thu đất, đá mở rộng mặt bằng.
Nhìn từ trên đỉnh xuống chân, núi Hòn Chà đã bị băm nát biến dạng nghiêm trọng, ở lưng núi có hệ thống các trụ điện cao thế 220kV Quy Nhơn - Tuy Hòa có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Trong quá trình ghi nhận, chúng tôi chạm mặt nhiều đối tượng “gác chốt” ở các đường mòn chạy thẳng lên núi. Họ lập chòi, khu nhà tạm ngay lưng núi để cảnh giới, cản trở người lạ. Lọt qua “gác chốt”, chúng tôi ghi nhận được cảnh tượng núi đồi bị đào khoét tan hoang, bột đá trắng phau phủ khắp núi xanh.
Trao đổi về thực trạng trên, ông Trần Sơn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu, ngán ngẩm: Đây là hệ quả thời trước để lại, giờ chúng tôi phải gánh chịu, khắc phục. Địa phương hiện mất kiểm soát ở núi Hòn Chà, do lãnh đạo trước đây đã cấp phép cho các DN mở rộng mặt bằng âm vào lòng núi 200-300m. Từ đó, DN mặc sức bao chiếm, rào chắn để đào cắt, làm biến dạng núi.
>>>Clip núi Hòn Chà (giáp ranh TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, Bình Định) bị "băm nát" để khai thác tài nguyên đá vàng:
Phường đã huy động lực lượng mật phục ở núi lúc 2 giờ sáng để bắt quả tang người của Công ty TNHH Xuân Nguyên khai thác đá ban đêm. Nhưng khi tỉnh thu hồi giấy phép, xử lý thì DN này đâm đơn kiện và liên tục thách thức, chống trả. Hiện có nguyên “đội quân” khai thác đá trộm ở núi Hòn Chà với mắt xích rất phức tạp, có thể do các DN điều hành, thuê người làm và có “chim xanh, chim đỏ” cảnh giới. Khi có công an, cán bộ lên kiểm tra, “đá tặc” bỏ chạy, chui vào các đường “hang chuột” để tẩu thoát.
Nguy cơ thất thoát vật liệu san lấp đường cao tốc
Để có vật liệu san lấp các dự án đường bộ cao tốc qua miền Trung - Tây Nguyên cần cả trăm triệu khối đất, đá nên chính quyền một số địa phương đã cấp phép cả trăm mỏ khoáng sản mới. Chỉ riêng 10 gói thành phần dự án tuyến cao tốc từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đã cần 47,09 triệu m³ đất đắp nền, với 21 mỏ đang khai thác và 71 mỏ được cấp mới; còn tại dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, có trên 20 vị trí mỏ đất, đá được cấp phép…
Khi tổ chức điều tra, lấy tư liệu loạt bài này, chúng tôi ghi nhận ở nhiều mỏ đất san lấp đường cao tốc Bắc - Nam xảy ra các bất cập. Trong đó, tại các mỏ đất số hiệu TDTS23 (núi Thơm) và TDTS27 (núi Hòn Trọc Trong) cùng huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, hoạt động khai thác núi lấy đất rầm rộ các tháng 7, 8, 9-2024 nhưng không lắp đặt trạm cân điện tử, camera giám sát hoặc “né” trạm cân.
Điều này có thể gây thất thoát tài nguyên, thuế… Thậm chí, một vài nơi đã để xảy ra vi phạm trong cấp phép, quản lý, khai thác mỏ vật liệu san lấp (chủ yếu mỏ đất đắp nền).
Hàng loạt sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trước đó tại hai dự án tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn (qua tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (qua tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình). Thanh tra chỉ rõ vi phạm từ khâu khảo sát, điều tra và đánh giá trữ lượng, chất lượng mỏ không chính xác, gây ra hệ lụy là nhiều đồi núi bị xâm hại.
Không những thế, khi mỏ cấp được khai thác không hiệu quả, cơ quan chức năng phải cấp thêm mỏ mới, như tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 có 37 mỏ đất nhưng chỉ có 17 mỏ cung cấp vật liệu, còn 20 mỏ không hiệu quả…
NGỌC OAI
>> Trong thời gian tiếp cận vụ việc, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận hàng loạt hoạt động khai thác đất đá, khoáng sản trái phép đang từng ngày "băm nát" núi đồi: