Phá núi, phạt đồi - Chưa hồi kết! - Bài 1: Đánh đổi

LTS: Tình trạng đổ xô phá núi, phạt đồi lấy đất, đá san lấp hoặc làm vật liệu xây dựng diễn ra nhiều năm qua ở nhiều địa phương, khiến “mẹ thiên nhiên” bị xâm hại nghiêm trọng. Hiểm họa chực chờ, mà thảm họa sạt lở xảy ra tại vùng núi phía Bắc trong cơn bão số 3 vừa qua là minh chứng cho lời cảnh báo nghiêm khắc.

Hàng loạt đồi núi xanh tươi đã bị đưa ra đánh đổi để có những đô thị hào nhoáng, những dự án bề thế phủ kín bê tông. Thiên nhiên hàng triệu năm tuổi đang bị xóa dần một cách hợp pháp và bất hợp pháp.

Đồi xanh thành…“sa mạc”

Huyện miền núi Quỳ Hợp được mệnh danh là “thủ phủ” khoáng sản không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn của cả nước. Men theo tỉnh lộ 532 lên các xã Châu Hồng, Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp), chúng tôi “mục sở thị” sự hung hãn của những chiếc xe ben chở đất, đá ồ ạt rượt đuổi, cày nát mặt đường.

Anh1-Duy Cường.jpg
Những ngọn núi điệp trùng ở xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bị “xẻ thịt” lấy đá

Ông Lương Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, “rút ruột” kể: Riêng xã Châu Hồng từng có tới 22 mỏ quặng thiếc và đá trắng. Người ta khai thác lấy đi “quả ngọt” để lại bao hệ lụy cho người dân. Một số bản Na Noong, Na Hiêng, Poòng, Hy xuất hiện các “hố tử thần”, trong khi hàng trăm giếng đào bất ngờ bị khô nước. Dù chưa có kết luận chuyên môn, nhưng người dân trong vùng khẳng định đó là hệ lụy của việc moi sâu lòng đất khai khoáng sản và hút nước ngầm rửa quặng.

Duy Cường.14.jpg
Núi Lèn Cò (xã Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An) một di sản thiên nhiên kỳ vỹ đang bị đào khoét, "xẻ thịt" khiến ai nấy đều tiếc nuối. Ảnh: DUY CƯỜNG

>> Video ghi nhận khung cảnh khói bụi bủa vậy bởi các mỏ đá ngày đêm "đục khoét" đồi núi ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) và huyện Đông Sơn (Thanh Hóa): Tác giả: DUY CƯỜNG

Tại tỉnh Thanh Hóa, ngọn Núi Vức sừng sững ngàn đời ôm lấy nhiều xã của huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa, đã và đang bị các công trường khai thác đá ngày ngày đục khoét, loang lổ. Nhìn khung cảnh nhiều chỏm núi đã và đang bị cưa, cắt cụt ngọn và bị moi thành các hố sâu để lấy đá khiến chúng tôi vô cùng xót xa, tiếc nuối!

!5a.jpg
Kỳ quan thiên nhiên núi Vức nằm giữa huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang bị các loại máy móc ngày đêm thi nhau “nghiền nát”. Ảnh: DUY CƯỜNG

Men theo đường thiên lý Bắc - Nam đến dãy Hoành Sơn (giáp ranh 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình), chúng tôi không khỏi xót xa trước viễn cảnh non núi triệu năm đang bị những mỏ đất, mỏ đá khoét sâu.

Nhiều người dân ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bày tỏ lo ngại khi mỏ đất của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vật liệu xây dựng Hồng Hà vừa bị phát hiện khai thác vượt 68% (khoảng 1.000m³ đất); trong khi ở phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Công ty CP Xây dựng Hòa Bình lại khai thác ngoài diện tích khoảng 16.897m²…

Từ ngã tư quốc lộ 1A đoạn thuộc thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), chúng tôi rẽ vào quốc lộ 12A ngược lên vùng thượng Sông Gianh. Dọc hai bên đường qua các xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa, Thạch Hóa (Tuyên Hóa) dày đặc những mỏ đá “ký sinh” đục đẽo các ngọn núi đá vôi sừng sững.

Người ta đã biến những ngọn núi xanh hùng vĩ, từng được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”… thành “sa mạc” đá vôi. Trong đó, ngọn Lèn Bảng từng là kỳ quan núi đá vôi đẹp bậc nhất vùng thượng sông Gianh, đã bị “nghiến thịt” lấy 24 triệu tấn đá đi làm xi măng.

Tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên), nhiều núi đồi xanh tươi cũng ngày ngày bị đục khoét, băm nát. Men theo quốc lộ 1A đến các xã, phường phía Tây TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, rồi ngược theo quốc lộ 19 qua thị xã An Nhơn lên huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), chúng tôi không khỏi bức xúc vì đồi núi bị xâm hại nghiêm trọng.

>>>Clip khung cảnh đồi núi ở một số nơi thuộc tỉnh Bình Định bị đào phá, đục khoét tan hoang: Tác giả: NGỌC OAI

Trong đó, dãy “núi mẹ” Sơn Triều đang bị hàng chục mỏ đá đục khoét khắp “cơ thể”. Ngược qua đèo Cù Mông vào tỉnh Phú Yên, đồi núi ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An cũng đang bị đào bới tràn lan… Ngồi giữa cánh đồng Suối Môn (xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu), ông Nguyễn Phùng Huấn (77 tuổi) chia sẻ nỗi xót xa với chúng tôi trước những cánh rừng già xanh mướt ở rặng đèo Cù Mông ngày nào, giờ đã bị xà xẻo, tàn phá không thương tiếc.

PHÚ YÊN.jpg
Khu vực núi Bà (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị khai thác lởm chởm

Hiểm họa chực chờ

Đi qua các khu làng gần ngọn Lèn Bảng (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi chứng kiến hoạt động khai thác mỏ đá rầm rộ. Nhiều người dân ở thôn Bàu 3, suốt 5 năm trời phải sống trong ô nhiễm bụi đá.

=>>>Clip người dân phản ánh thoát chết từ hiểm họa mỏ đá ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình: Tác giả: MINH PHONG

Nhà sát mỏ đá Lèn Bảng, ông Trần Xuân Sơn (nguyên lãnh đạo UBND xã Tiến Hóa) chỉ tay về phía các tảng đá chênh vênh trên mỏm núi, lo lắng: “Ở đây, cứ mỗi lần mỏ đá nổ mìn, đá trên núi cao rơi rào rào xuống, uy hiếp dân làng. Trong khoảng 2 năm qua, chúng tôi chứng kiến có khoảng 3.000-4.000m³đá rơi vãi nguy hiểm từ các vụ nổ mìn”.

Anh19-Tu lieu pha 12.jpg
Nhà dân thôn Bàu 3 (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bị đá uy hiếp do việc nổ mìn mỏ đá Lèn Bảng
Tu lieu pha 7.jpg
Nhiều mỏ đá đang "ký sinh" đục khoét tan hoang các núi đá vôi được mệnh danh là "vịnh Hạ Long cạn" ở dọc sông Gianh, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Nhiều tháng qua, bà Trần Thị Liễu vẫn còn ám ảnh khi đang làm đồng cách mỏ đá khoảng 200m, chợt nghe rào rào từ trên đỉnh Lèn Bảng trước khi từng khối đá lớn trút xuống ruộng bắp của bà. “Họ làm mỏ đá mà thiếu an toàn. Khi biết tôi thoát chết vì đá rơi, có một người xưng là doanh nghiệp mỏ đá đến dúi cho tôi 200.000 đồng gọi là thăm hỏi tinh thần”, bà Liễu bức xúc.

Anh2-Duy Cường,123.jpg
Khu dân cư thôn 1 (xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) lãnh đủ bụi bặm từ việc khai thác mỏ đá núi Vức

Ở tỉnh Nghệ An, người dân xã Đồng Thành (huyện Yên Thành) bao đời sống yên bình dưới núi Lèn Cò, nhưng từ khi xuất hiện mỏ đá, cuộc sống bà con bị đảo lộn. Hiện, ngọn Lèn Cò đã bị “băm nát” bởi 3 mỏ đá, một số vị trí núi bị đào phá lấy đá tạo vách núi cao vót, có nơi bị khoét sâu thành hàm ếch lớn.

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành, cho biết, các mỏ đá này khai thác đều sai so với thiết kế, quy trình được phê duyệt. Năm 2023, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An từng phát hiện, xử phạt mỗi đơn vị 80 triệu đồng, yêu cầu khắc phục, nhưng đến giờ tình hình… vẫn không thay đổi.

1.jpg

Đến rặng núi Hóc Giảng, nhiều hộ dân ở làng Chánh Nhơn (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) phản ánh về một khu vực khai thác đất mà doanh nghiệp để lại hiện trường nhiều hầm hố sâu cả chục mét, chực chờ để “nuốt” gia súc của người dân. Chính quyền hiện cho phép một doanh nghiệp sử dụng vùng hầm hố này để làm bãi đổ thải bột đá khai thác từ lưng núi Hóc Giảng.

17.jpg
Dãy núi Sơn Triều (giáp ranh huyện Tuy Phước-thị xã An Nhơn, Bình Định) bị "đục khoét" bởi hàng chục mỏ đá, đất. Ảnh: NGỌC OAI

Tuy nhiên, bột đá đổ chẳng bao nhiêu mà hầm hố vẫn sâu hoắm như cũ. Khi mưa xuống, ở các hầm đổ bột đá này nước chảy ra màu xanh đục khiến bà con lo ngại độc hại, ô nhiễm. Ông Nguyễn Vũ Bằng, Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, nhìn nhận, sự việc xảy ra ở nhiệm kỳ trước, nhiều vị đã nghỉ hưu nên rất khó quy trách nhiệm…

Phá tan rồi… “chạy làng”

Núi Thơm (giáp ranh 2 xã Bình Hòa và Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đang được lấy đất san lấp nền đường cao tốc. “Quá trình bồi thường, không biết là vô tình hay cố ý, địa phương bỏ quên 100 ngôi mộ tộc họ Nguyễn trong núi. Giờ doanh nghiệp đào núi lấy đất, nhiều ngôi mộ bị vùi trong bụi đất”, ông N.T.Q. (thôn An Chánh, xã Tây Bình) bức xúc.

NÚI THƠM.JPG
Núi Thơm (huyện Tây Sơn, Bình Định) nằm trong vùng gần tháp Chăm cổ Dương Long đang bị "đánh đổi" để lấy vật liệu san lấp. Ảnh: NGỌC OAI

Để có vật liệu san lấp đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trước đây tỉnh Quảng Nam cấp phép cho 3 công ty (Công ty TNHH Tuấn Trí, Công ty TNHH XD-TM Duy Nguyễn, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4) để đào bạt khu vực núi Nổng Bồ (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) lấy đất. Tuy nhiên, đào núi xong thì đến nay chỉ mỗi Công ty TNHH Tuấn Trí nộp đề án đóng cửa mỏ cho Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, 2 doanh nghiệp còn lại đã “chạy làng”.

Với thông tin trên, chúng tôi tìm đến khu vực núi Nổng Bồ để ghi nhận thực trạng. Cả một vạt núi đã bị băm nát, trơ ra những khoảng đất đá trắng phau với nhiều tảng đá lớn nằm cheo leo.

QUẢNG NAM.JPG
Sau khi lấy đất ở núi Nổng Bồ (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), chủ mỏ “chạy làng” để lại núi đồi tan hoang

“Tôi thường đi đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng mỗi khi qua huyện Duy Xuyên, rất sợ những tảng đá treo trên núi cao. Nếu mưa lớn, những tảng đá này rất dễ đổ xuống đường, nguy cơ tai nạn rất cao!”, tài xế Nguyễn Cao Nguyên (ở TP Đà Nẵng) lo ngại.

Tương tự, vùng đồi Châu Mỹ (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng có 1 mỏ đất, DN khai thác xong từ năm 2017 rồi “biến mất” không hoàn thổ, phục hồi môi trường.

>>>Clip doanh nghiệp đào phá tan hoang các đồi núi ở xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau đó "chạy làng". Tác giả: NGUYỄN CƯỜNG.

Đồi núi khắp tỉnh Lâm Đồng đã hằn lên những vết sẹo nham nhở, không thể chữa lành. Tại trung tâm TP Đà Lạt, người dân và du khách dễ nhìn thấy núi Du Sinh (phường 5) đang bị đục khoét, khai thác đá. Những mảng xanh của hàng thông ngày nào đã bị lột bỏ để thay thế bởi màu bạc thếch của đất đá. Đồi núi ở các phường 5, 7, 11 (TP Đà Lạt) cũng đang bị mỏ đá “xẻ thịt”.

LÂM ĐỒNG.jpg
Đồi núi ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) bị xâm hại

Tại TP Bảo Lộc, nạn khai thác cao lanh đã xóa sổ dần những mảng xanh đồi chè, thông, cà phê. Nhiều nơi ở xã Lộc Châu, mỏ cao lanh quét qua các đồi núi để lại rặt những “hố bom” sâu hoắm, cây rừng khó phục hồi.

Tin cùng chuyên mục