Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 5 cơ sở cho vay nặng lãi bị triệt xóa tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được đặt tại các địa chỉ: 174 Điện Biên Phủ; 188 Điện Biên Phủ; 420 Lê Duẩn; 51 Nguyễn Sinh Cung và số 1 Hồ Đắc Di, TP Huế. Tất cả đều là chi nhánh thuộc Công ty TNHH MTV phát triển TMDV Tổng hợp Tín Đạt, trụ sở chính đóng tại 22 đường Lê Việt Thuật, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, do đối tượng Nguyễn Sỹ Trung (SN 1976, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) người đứng đầu.
Năm đối tượng này sẽ đứng ra tuyển và thuê nhân viên làm việc tại cơ sở do mình quản lý, các nhân viên này đều phải tham gia “đào tạo chuyên môn” về nghiệp vụ cho vay và cách thức đòi nợ tại Nghệ An. Mỗi cơ sở sẽ có từ 4-6 nhân viên làm nhiệm vụ giao dịch trực tiếp, xử lý nợ và quản lý.
Theo Đại tá Phạm Văn Toàn- Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, tiền thân của Công ty Tín Đạt là Công ty Tân Tín Đạt, thành lập vào tháng 8-2016, có địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thừa Thiên - Huế, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề như buôn bán ô tô, cho thuê xe, cầm đồ nhưng thực chất là thành lập nhiều chi nhánh, cơ sở tổ chức hoạt động cho vay tiền vi phạm lãi suất. Khoảng tháng 5-2019, các chi nhánh và cơ sở của Công ty Tân Tín Đạt trên địa bàn Thừa Thiên - Huế bất ngờ đồng loạt thông báo giải thể, sau đó lại trở thành điểm kinh doanh của một Công ty khác là Công ty TNHH MTV phát triển Tổng hợp Tín Đạt.
“Tuy đăng ký tên gọi khác nhau nhưng về bản chất, hai công ty này là một. Từ công tác điều tra, xác minh, thu thập thông tin, chúng tôi xác định được các đối tượng được thuê quản lý các cơ sở tại Huế thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin và giao dịch tiền bạc với đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng (SN 1982, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh)- là Giám đốc của Công ty Tấn Tín Đạt”, Đại tá Phạm Văn Toàn cho biết.
Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này là yêu cầu người vay tiền đưa ô tô, xe máy có đăng ký chính chủ, chứng minh nhân dân của người vay và làm thủ tục mua tài sản trên, sau đó sử dụng tài sản này làm hợp đồng cho người vay thuê tài sản. Quá trình người vay muốn vay bao nhiêu tiền thì đối tượng định giá trị để mua tài sản tương ứng.
Bên cạnh đó, đối với những cá nhân không có tài sản nhưng vay số tiền thấp, các đối tượng vẫn thực hiện thủ tục cho vay. Hoạt động cho vay, phương thức cho vay, cách thức quản lý tiền cho vay và tiền thu nợ… được các đối tượng thực hiện trên phần mềm, và phần mềm này do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng theo dõi, quản lý.
Lãi suất các đối tượng cho vay dao động từ 109,5%/năm đến 182,5%, thậm chí có trường hợp cho vay với lãi suất hơn 700%/năm.
Theo điều tra ban đầu, chỉ tính tại Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8-2016 đến nay, các đối tượng đã cho 1.420 người với gần 21.000 hồ sơ vay, tổng số tiền cho vay hơn 21,2 tỷ đồng; số tiền thu lợi bất chính hơn 4,6 tỷ đồng.
Không chỉ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, nhóm đối tượng này còn hung hăng, côn đồ, sẵn sàng gây thương tích nếu con nợ “trả nợ” không đúng hẹn.
“Tôi vay của bọn chúng 10 triệu đồng, tiền lãi phải góp mỗi ngày là 60.000đ. Tính đến nay là hơn 1 năm nhưng vẫn chưa trả xong. Ngày nào không có tiền trả nợ là bọn chúng điện thoại đe dọa, chửi bới; có lần chúng còn tát liên tục vào mặt tôi nhưng sợ nên tôi không dám trình báo Công an”, chị Nguyễn Thị H, nạn nhân chia sẻ.
“Với quyết tâm bắt trọn đường dây cho vay nặng lãi này, trong ngày 2-1, chúng tôi triển khai 6 tổ công tác, trong đó 5 tổ phụ trách kiểm tra, triệt xóa 5 điểm tại Huế; tổ còn lại được cử lên đường ngày hôm trước, cũng trong sáng ngày 2-1 đã phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty Tân Tín Đạt tại TP Vinh, bắt giữ các đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”- Đại tá Phạm Văn Toàn cho biết thêm.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt giữ các đối tượng phạm tội, tạm giữ các hồ sơ tài liệu chứng cứ liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.