
“Hành trình mới của sơn ta tổng hợp” có lẽ là một cách trình làng kín kẽ sự “phá cách” sơn mài và trong đó tranh sơn ta đã đóng vai trò then chốt?
Đường đi của sơn mài
Chuẩn bị gần một năm trời cho cuộc trình làng những sáng tác sơn mài, sơn ta với ý nghĩa thể hiện tính truyền thống và đổi mới, các họa sĩ tham gia trại sáng tác (do gallery Kỳ Long tổ chức) đang trưng bày hơn 100 tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1.

Chọn một góc nhỏ, triển lãm còn giới thiệu không gian riêng như bản phác thảo “đường đi” của cây sơn ta đất Phú Thọ, Vĩnh Phú, bên cạnh một số dụng cụ làm sơn mài truyền thống. Xuất phát điểm từ chất liệu dùng trang trí sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối trong đình chùa, miếu mạo xưa và trang trí sản phẩm mỹ nghệ khay, tráp, guốc mộc…, sơn ta đã được nghệ thuật hóa qua tranh sơn mài từ các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Lịch sử sơn ta, sơn mài những năm 1925-1930 của thế kỷ XX đã được giới mỹ thuật nhắc lại cả thử nghiệm của các họa sĩ trường Vẽ Gia Định và sự cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nghệ thuật của sơn mài Thành Lễ ở Bình Dương. Kế thừa, khám phá sơn khắc, sơn mài và khẳng định chất liệu nghệ thuật đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam, hơn nửa thế kỷ trôi qua, sức hấp dẫn của tranh sơn mài đã gắn liền với tên tuổi các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ…
Thời gian gần đây, ngoài sự thành công qua triển lãm tranh sơn mài tại nước ngoài của thế hệ đàn anh, người sáng tác trẻ cũng có cơ hội được giới thiệu tranh sơn mài ở bảo tàng Mỹ như trường hợp của họa sĩ Nhật Tân; hoặc quảng bá, dạy tranh sơn mài ở một số trường học Pháp như họa sĩ Đức Huy, Ánh Tuyết…
Sơn ta với mỹ thuật đương đại
Thực ra, ý tưởng vận dụng chất liệu sơn ta tổng hợp trong quá trình sáng tác tranh sơn mài cũng đã được một số họa sĩ trẻ thử nghiệm. Tranh của họ thỉnh thoảng xuất hiện qua các triển lãm khu vực và triển lãm toàn quốc mấy năm gần đây. Thế nhưng, lần này với cuộc hành trình mới của sơn ta (được họa sĩ Lý Khắc Nhu khởi xướng từ trại sáng tác “sân nhà”) đã thực sự làm nên một “vệt đậm”, gây được sự chú ý trong giới mỹ thuật thành phố.
Xuất thân từ những họa sĩ vẽ tranh thủy mặc, tranh sơn ta tổng hợp của Lý Khắc Nhu, Huỳnh Tuần Bá, Trương Lộ đều bộc lộ cảm xúc mới ở hai khía cạnh ấn tượng và hiện thực qua hình tượng Biển đêm, Thiếu nữ và hoa, Đứa con của rừng…
Họa sĩ Nguyễn Huy Khôi và Trần Văn Hải tiếp tục khai thác “chất mài” của sơn như một sự khao khát khám phá chất liệu từ sự cảm thụ những giai điệu của âm nhạc; lắng nghe nhịp điệu cuộc sống vùng biển…
Khác với sự “thâm canh” sơn mài truyền thống của hai họa sĩ Đào Minh Tri và Dương Sen về đề tài Cá và Thiếu nữ, loạt tranh của Nguyễn Thân, Siu Quý, Chế Công Lộc, Nguyễn Minh Phương, Lê Kinh Tài, Đỗ Minh Hiếu, Phan Đình Phúc đã khẳng định ý nghĩa cách tân tranh sơn mài truyền thống là cuộc hành trình mới của sơn ta.
Họa sĩ trẻ Đỗ Minh Hiếu cho rằng với chất liệu sơn ta tổng hợp, anh cảm thấy ưng ý hơn khi thể hiện các bức chân dung người dân tộc vùng Tây Bắc. Họa sĩ Phan Đình Phúc bộc bạch, dù tốt nghiệp khoa sơn mài, nhưng lần này cũng là lần đầu anh đã được thả sức sáng tạo. Vừa thể hiện những mảng “mài bóng” thăm thẳm vừa giữ lại những phần thô ráp của sơn khắc, Phan Đình Phúc cảm thấy thật thú vị khi tìm được cách mô tả nội tâm phức tạp của con người.
Đối với họa sĩ Nguyễn Minh Phương, sau thời gian dụng công nhiều với tranh sơn dầu và thể hiện những tác phẩm sắp đặt, đã nhận xét: “Sơn ta có khả năng kết hợp phong phú, đa dạng. Với ưu thế này, sơn ta sẽ là chất liệu mang lại hiệu quả khá tốt cho cách thể hiện nghệ thuật đương đại của mỹ thuật Việt Nam, không thua kém nền nghệ thuật sơn ta, sơn mài tương tự của các nước Đông Nam Á…”.
Hiện tại, có thể giới chuyên môn vẫn chưa tiếp nhận sự “phá cách” tranh sơn mài truyền thống. Nhưng với những thử nghiệm trưng bày khá hoành tráng, phong phú qua triển lãm lần này đã cho thấy hai xu hướng sáng tác đang song hành: bên cạnh dòng tranh sơn mài truyền thống đầy sức hấp dẫn và bí ẩn, tranh sơn ta tổng hợp cũng hé lộ một triển vọng mới với mỹ thuật đương đại. Cho nên, vấn đề không phải ở tên gọi “hành trình mới hay cũ” mà là sự tìm chọn chất liệu sáng tác thích ứng và tài năng nghệ thuật thể hiện ở mỗi họa sĩ.
YÊN NGỌC