Kỷ niệm 185 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28-11-1820 — 28-11-2005)

Ph. Ăngghen sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta

Ph. Ăngghen sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta

LTS: Như tin đã đưa, Trường Cán bộ Thành phố vừa tổ chức tọa đàm khoa học kỷ niệm 185 năm ngày sinh Ph.Ăngghen. Báo SGGP trích giới thiệu ý kiến tham luận của đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, tại tọa đàm.

Phridrich Ăngghen sinh ngày 28-11-1820 ở Barmên, tỉnh Rênani Vương quốc Phổ (nước Đức) và từ trần ngày 5-8-1895 ở Luân Đôn (Anh). Thân phụ ông là một chủ tư bản lớn, rất sùng đạo, tháo vát về kinh doanh, giao du rộng, nhưng về chính kiến thì rất bảo thủ.

Ph. Ăngghen sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta ảnh 1

Ph. Ăngghen (1820-1895)

Mẹ ông là một trí thức tinh tế, nhạy cảm, đôn hậu, hoạt bát, thích hài hước và yêu văn học nghệ thuật. Khi mới sinh ra Ăngghen, lúc biết chồng bà đã lấy tên đức vua Phridrich Đại đế đặt tên cho con mình, bà không vui. Bà muốn con trai mang tên Giôhan, tên của Gớt là nhà thơ và nhà tư tưởng lớn của Đức.

Ông ngoại của Ăngghen là một giáo sư đại học về ngôn ngữ học, thường kể cho cháu ngoại mình nghe chuyện về các anh hùng trong các thần thoại Hy Lạp cổ đại và trong các truyền thuyết dân gian Đức.

Ăngghen có dáng người oai vệ, khuôn mặt tròn với bộ râu quai nón màu hung rất đẹp, với cặp mắt xanh biểu lộ một trí lực cao. Lúc còn học ở trường, Ăngghen là một học sinh chuyên cần, không chỉ chuyên tâm vào sách vở mà còn chơi thể thao, cưỡi ngựa, đánh kiếm, mê âm nhạc, giỏi đánh đàn piano, thích đi thăm những vùng ngoại ô, tiếp xúc với cuộc sống của những người lao động.

Thời thơ ấu, Ăngghen tràn đầy niềm tin vào Chúa. Nhưng đến tuổi 14, 15 khi tiếp cận với phái Hêghen trẻ, ăngghen nhận biết vai trò của lý trí và bắt đầu biết suy nghĩ một cách độc lập và biết phê phán. Đọc các sự tích tôn giáo, trước hết ông thưởng thức cái đẹp sau đó mới tìm đến ý nghĩa, do đó đối với Kinh Thánh, ông thích Cựu Ước hơn Tân Ước. ông đã khám phá ra rằng chính con Người đã tạo ra Chúa theo hình ảnh của Người, chứ không phải Chúa đã tạo ra Người theo hình ảnh của Chúa.

Học ở bậc trung học, ông không tin một cách đơn giản vào sách giáo khoa và lời giảng của thầy mà luôn suy nghĩ, nêu nghi vấn rồi tự tìm đọc thêm để tự giải đáp cho mình. Châm ngôn của Ăngghen là “Tôi nghi ngờ những gì mà tôi chưa rõ”. Do nhu cầu tra cứu, ông đã học thêm rất nhiều ngoại ngữ. Giáo sư tiến sĩ Philip Siphơlin - người dạy Ăngghen về tiếng Pháp - đã kể “có những đứa trẻ kỳ diệu, những thần đồng...

Ăngghen là một trong những đứa trẻ như vậy. Cậu ấy mới 17 tuổi mà đã biết 15 ngoại ngữ. Cậu ấy nói và viết thông thạo tiếng Latinh, cổ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, ý. Ngoài ra còn có thể đọc được các thứ tiếng Xcandináp, Bồ Đào Nha và tiếng Ba Lan, thậm chí cả một thổ ngữ Bắc Ailen mà trên khắp trái đất chỉ có 550 người nói”.

Năm 1837 thân phụ của Ăngghen lập một công ty riêng, muốn cậu con cả đi theo chí hướng của mình, đã buộc Ăngghen bỏ thi tốt nghiệp trung học để học việc ở văn phòng công ty, tiếp đó là đưa vào đào tạo tại hãng buôn của người bạn kinh doanh của ông. Nhưng công việc buôn bán không cản trở được ông trong việc tự học về toán học, về triết học, mỹ học, văn học, về lịch sử cổ đại...

Ai đã đọc cuốn “Chống Đuyrinh” xuất bản vào năm 1878 đều có thể nhận thấy Ăngghen đã có sự uyên bác trên nhiều lĩnh vực: vũ trụ học, thiên thể học, vật lý học, hóa học, sinh vật học, đạo đức và pháp quyền, kinh tế chính trị học, triết học... Được như vậy là do Ăngghen đã có nghị lực phi thường trong việc tự học, tự tìm tòi nghiên cứu, từ thời còn là học sinh ở trường đến suốt cả cuộc đời của mình.

Với những kinh nghiệm thực tiễn trong những năm tháng gia nhập binh đoàn pháo binh rồi được bổ sung vào ban quân sự, xây dựng các chiến lũy và tham gia các trận đánh chống lại quân Phổ trong cuộc khởi nghĩa ở Tây Nam nước Đức và theo dõi các hoạt động của quân cách mạng ở Hunggari, Ăngghen đã viết nên tập “Luận văn quân sự” nổi tiếng.

Sống trong một trung tâm công nghiệp, từ nhỏ Ăngghen đã tận mắt nhìn thấy cảnh bần cùng hóa của công nhân lao động. Năm 1842, khi Ăngghen đến Măngsétstơ, làm công cho một hãng buôn, ông đã đi thăm những nơi công nhân sống chen chúc cảnh nghèo nàn bẩn thỉu. ông đã tìm đọc tất cả những gì người trước đã viết về cuộc sống của công nhân.

Cuốn “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” của ông đã miêu tả một cách chân thực và sâu sắc nhất cuộc sống khốn cùng của giai cấp công nhân. Chính Ăngghen, lần đầu tiên đã phát hiện ra rằng giai cấp công nhân không chỉ là giai cấp đau khổ trong xã hội tư bản mà còn là giai cấp có sứ mệnh đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của mình, đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.

Dù rằng ông phải sống lưu vong hàng chục năm ở nước ngoài nhưng lòng yêu dân tộc Đức của ông không hề giảm sút. ông thường nói “Tôi là một người Đức và tôi tự hào về cái vị trí mà công nhân Đức chúng ta giành được trước tất cả những công nhân khác”.

Về tình bạn, đối với Ăngghen cũng thật đặc biệt. ông cho đó là tình cảm sâu sắc và trong sáng nhất, là sự hy sinh tất cả, là sự gần gũi và giao tiếp về tinh thần, là sự thử thách, là một trách nhiệm và nghĩa vụ nặng nề. Năm 1844, trên đường từ Anh trở về Đức khi đi qua Paris (Pháp) ông gặp Mác mà trước đó ông đã liên lạc bằng thư từ.

Hai người cùng chung lý tưởng đã kết bạn thân với nhau từ đó cho đến suốt đời. Nhiều công trình lý luận nổi tiếng đã mang tên Mác – Ăngghen, trong dó có bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, mà Lênin đã cho rằng “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách”.

Cuối năm 1850, Ăngghen từ Đức trở lại Anh, làm công cho một hiệu buôn để lấy tiền chu cấp cho Mác hoàn thành việc viết bộ sách “Tư bản”. Sau khi Mác qua đời, Ăngghen đã gác phần nghiên cứu khoa học của ông để dành toàn bộ sức lực biên tập và xuất bản hai tập cuối của bộ “Tư bản”.

Trong thời gian từ 1844 lúc Ăngghen 24 tuổi cho đến năm 1883 lúc Mác mất, hai người đã viết cho nhau 1.386 bức thư. Nghiên cứu các bức thư đó, Lênin cho là “có giá trị khoa học và chính trị rất lớn”. Mác đã coi trọng ý kiến của Ăngghen hơn ý kiến của bất cứ ai khác và vô cùng thán phục khi nhắc đến Ăngghen: “Khỏi phải nói, Phridrich là một khối óc sắc sảo, ông biết rộng vô cùng! Quả là một pho bách khoa toàn thư.

Mà làm việc thì Ăngghen có thể làm bất kỳ lúc nào, ngày cũng như đêm, ngay sau bữa ăn no nê hay khi bụng đói như cào, mà suy nghĩ, viết lách thì nhanh như quỷ sứ”. Còn về phía Ăngghen, ông rất thích thú và cảm phục về năng lực phân tích và tổng hợp của Mác, luôn khiêm tốn nhận rằng: “Mác là một thiên tài, còn chúng ta giỏi lắm chỉ là những người có tài mà thôi”.

10 giờ 30 ngày 5-8-1895 Ăngghen từ trần một cách bình thản. Trước khi mất, ông có để lại di chúc, trong đó chỉ dẫn cả hình thức lễ tang. Sinh thời, ông ghét cay ghét đắng mọi sự sùng bái đối với ông. Vì vậy, ông quyết định sau này để tang ông chỉ nên tiến hành trong một số ít người, thi hài được hỏa táng và tro được ném xuống đại dương mênh mông để đêm ngày sóng vỗ vào lòng đất mẹ.

Thứ bảy, 2 giờ chiều ngày 10-8-1895 chiếc quan tài để thi hài Ăngghen đã đặt tại nhà thiêu xác ở Iôking cách Luân Đôn gần 30 dặm, phủ đầy hoa tang từ các nước Đức, Áo, Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan, Nga, Ba Lan, Bungari, ácmênia... Trên những dải băng tang lớn màu đỏ có ghi dòng chữ “Giai cấp vô sản chiến đấu xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình và nỗi đau buồn vô hạn đối với người cha tinh thần và người thầy, vị lãnh tụ và người bạn không thể nào quên được của chúng ta”.

Những người đại diện cho tất cả các dân tộc văn minh đã tập họp bên cạnh linh cữu Người. Toàn thể loài người khao khát một nền tự do và tình hữu ái, mong muốn có ánh sáng và hạnh phúc, đã mất đi người chiến sĩ tiên phong dũng cảm và hào hiệp nhất của mình.

Trong cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam để giành độc lập cho dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường cách mạng vô sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra, Đảng ta do Bác Hồ sáng lập, được trang bị một vũ khí lý luận vô cùng sắc bén, đó là thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng, là quan điểm duy vật về lịch sử, là học thuyết về giá trị thặng dư.

Người làm ra loại vũ khí trí tuệ đặc biệt đó, cùng với Các Mác là Ăngghen. Ăngghen còn để lại cho chúng ta một tấm gương của người chiến sĩ cộng sản về ý chí chiến đấu cách mạng, về sự gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và bà con lao động nghèo, về nghị lực trong tự học, tự nghiên cứu với tinh thần độc lập suy nghĩ và ý thức phê phán, về tình bạn thủy chung trong sáng, về đức khiêm tốn và lối sống có nghĩa có tình.

Phridrich Ăngghen, một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại, cùng Mác - Lênin - Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta.

Tọa đàm đã nhận được hơn 20 tham luận, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc khẳng định giá trị bền vững, tính nhân văn trong con người và sự nghiệp của Ph.Ăngghen đang được hiện thực hóa trong cuộc sống và công cuộc đổi mới ở Việt Nam: “Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen vào công cuộc đổi mới đất nước nói chung, TPHCM nói riêng” (TS. Trương Thị Hiền); “Sống mãi một tấm gương đạo đức cộng sản mẫu mực” (TS. Nguyễn Việt Hùng); “Vận dụng phép biện chứng của Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa vai trò tư tưởng và yếu tố kinh tế trong quá trình đổi mới tư duy của Đảng” (NGƯT Hồ Thanh Khôi); “Vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc phòng và chống nguy cơ tham nhũng, quan liêu” (TS. Trần Văn Khánh); “Sáng ngời tư tưởng chính trị vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen” (PGS.TS Nguyễn Xuân Tế); “Ph.Ăngghen về nguyên nhân của bất bình đẳng giới trong gia đình và vấn đề bình đẳng giới trong gia đình Việt Nam hiện nay” (TS. Nguyễn Thị Vân); “Ph.Ăngghen - một bậc thiên tài” (TS. Phạm Ngọc Minh); “Học thuyết của các bậc vĩ nhân C.Mác và Ph.Ăngghen mang tính thời sự hơn bất cứ lúc nào” (TS. Trần Nhu); “Những quan điểm của Ph.Ăngghen về nhà nước vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay” (Luật gia Nguyễn Thanh Bình); “Thái độ tự phê phán của Ph.Ăngghen đối với chủ nghĩa Mác” (TS. Hồ Bá Thâm); “Ph.Ăngghen và thời đại ngày nay” (TS. Phạm Như Hải)…

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục