Chương trình mở ra những cuộc thảo luận chuyên đề sôi nổi giữa các chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, là diễn đàn đối thoại, kết nối các cá nhân và tổ chức đang hoạt động trong ngành.
Trong bối cảnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, âm nhạc được xác định là trụ cột quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh giao lưu văn hóa đồng thời tạo đà phát triển cho các ngành kinh tế liên quan. Do đó, tọa đàm "Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong khuôn khổ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030" nhấn mạnh về việc khai phá tiềm năng âm nhạc Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế - văn hóa, giao lưu quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong khoảng 10 năm gần đây, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp đáng kể vào GDP, tạo việc làm và gia tăng doanh thu từ du lịch cho các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt...
“Các lễ hội âm nhạc như Hò Dô, lễ hội hoa Đà Lạt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra giá trị phi kinh tế thông qua việc thúc đẩy giao lưu văn hoá, kết nối cảm xúc và xây dựng mạng lưới cộng đồng. Đây là nền tảng để Việt Nam tiến sâu vào thị trường âm nhạc quốc tế"
Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, đánh giá cao vai trò của âm nhạc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Theo bà, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sở hữu kho tàng di sản âm nhạc phong phú. Đây là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác hiện đại và sáng tạo. Bà đánh giá cao tầm quan trọng của việc tiếp cận giới trẻ, từ đó phát triển âm nhạc dân tộc trở thành nguồn sức mạnh kết nối cộng đồng.
“Điển hình như ban nhạc Nam Tộc - những bạn trẻ đã khéo léo kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm thanh hiện đại để tạo nên các bản phối vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa mới mẻ, gần gũi với giới trẻ. Điều này không chỉ nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của các nghệ sĩ mà còn góp phần quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng trong và ngoài nước. Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ và quốc gia", PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm nói.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh nhận định, âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đang đối mặt với bài toán khó về việc nuôi dưỡng khán giả. Trong bối cảnh xã hội chuyển mình, theo anh, cần tạo điều kiện để âm nhạc cổ điển tiếp cận khán giả trẻ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc lâu dài. Những chương trình biểu diễn kết hợp giữa giáo dục và nghệ thuật là bước đi cần thiết.
“Việc kết hợp âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc là cần thiết để tạo nên sức sống mới, vừa bảo tồn di sản vừa tiếp cận được khán giả hiện đại. Chúng ta có một nền tảng âm nhạc dân tộc dồi dào. Hãy thoải mái sáng tạo trên những giá trị đó", nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TPHCM, nhấn mạnh, các lễ hội âm nhạc hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với các thành phố lớn. Ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu ngành du lịch tăng từ 30-40% trong mùa lễ hội, chứng minh rằng âm nhạc không chỉ kết nối cộng đồng mà còn là "chìa khóa" mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
Cùng ngày, Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 còn có các tọa đàm khác như: Giáo dục và kinh doanh âm nhạc - Từ lý thuyết đến thực hành; Khám phá đội ngũ quản lý nghệ sĩ: Ai? Làm gì? Làm thế nào?; Sự trở lại của chương trình truyền hình thực tế và tầm ảnh hưởng đến nghệ sĩ... Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo ứng dụng về Nghệ thuật xử lý khủng hoảng truyền thông; Dữ liệu và dự liệu: Nổi bật giữa muôn vàn thanh âm...
Trước đó, ngày 13-12, Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 đã có workshop đầu tiên chủ đề "Phát triển tài năng và kinh doanh trong ngành âm nhạc sống" cho những nhà tổ chức sự kiện âm nhạc tiềm năng tại Việt Nam.
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam do Vietnam Music Industry Network (VMIN) tổ chức là sự kiện thường niên nhằm kết nối và phát triển âm nhạc Việt Nam. Đây là lần thứ 4 sự kiện được tổ chức. Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 13 đến 15-12, được tổ chức lồng ghép trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TPHCM - HOZO (Hò Dô) 2024.
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 có chuỗi hoạt động hấp dẫn như tọa đàm, workshop tương tác và kết nối giữa khán giả, nghệ sĩ, diễn giả. Sự kiện tiếp tục sứ mệnh nâng cao giá trị cộng đồng kinh doanh âm nhạc Việt.