PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM: Hoàn thiện cơ chế là khâu đột phá

Năm 2011, Sở KH-CN TPHCM đề ra nhiều mục tiêu như tăng cường phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của TP… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, PGS-TS Phan Minh Tân, xung quanh việc thực hiện các mục tiêu của ngành KH-CN TPHCM…
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM: Hoàn thiện cơ chế là khâu đột phá

Năm 2011, Sở KH-CN TPHCM đề ra nhiều mục tiêu như tăng cường phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của TP… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, PGS-TS Phan Minh Tân, xung quanh việc thực hiện các mục tiêu của ngành KH-CN TPHCM…

- PV: Thưa ông, để đạt các mục tiêu đề ra, vấn đề chính là cơ chế và chính sách hay là vấn đề nào khác?

- PGS-TS Phan Minh Tân: Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển KH-CN là khâu đột phá để phát huy sự năng động, sáng tạo của lực lượng trí thức, tạo sự gắn kết giữa cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất-kinh doanh, dịch vụ, đồng thời thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia.

Cụ thể cần đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH-CN, trong đó nâng cao tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ TP. Hỗ trợ đầu tư phát triển KH-CN từ ngân sách của TP cho các viện nghiên cứu, trường đại học của Trung ương đóng trên địa bàn TP (cụ thể đầu tư các phòng thí nghiệm của ĐHQG TPHCM) trên cơ sở khai thác hiệu quả năng lực của các trường, viện phục vụ nhiệm vụ đặt hàng của TP.

PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, trao đổi với các nhà khoa học nước ngoài.

PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, trao đổi với các nhà khoa học nước ngoài.

Song song đó, một đổi mới khác không kém quan trọng là công tác quản lý nghiên cứu khoa học: các kết quả nghiên cứu phải định hướng tới việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường cơ chế đặt hàng nhằm gắn kết nghiên cứu với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội TP; nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Cần nói thêm, đổi mới ở đây cần chú trọng vào đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học trên địa bàn TP theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nền kinh tế thị trường…

- Các công trình, chương trình đã thực hiện trong các năm qua như vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ sinh học… sẽ được tiếp tục phát triển như thế nào?

- Trong năm nay, sở vẫn tiếp tục chú trọng đến các chương trình nghiên cứu như: công nghệ nano và vật liệu mới - công nghiệp dược; công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa; công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin địa lý - GIS phục vụ công tác quản lý; ứng dụng KH-CN tính toán vào các lĩnh vực KH-CN trọng điểm của TP; năng lượng mới; an ninh - quốc phòng; quản lý đô thị; bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Đặc biệt sẽ đầu tư tập trung vào các đề tài, dự án quy mô lớn, mang tính liên ngành, áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để giải quyết: giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước và ứng phó biến đổi khí hậu…

Phát triển các sản phẩm trọng điểm của TP thuộc lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước khuyến khích nhằm nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển ứng dụng. Sẽ được thể hiện qua các chương trình phát triển năng lực sáng tạo và nội sinh hóa công nghệ nhập khẩu để tạo ra sản phẩm công nghệ mới: tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: cơ khí - tự động hóa; điện tử - tin học; hóa chất; công nghệ sinh học và năng lượng…

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ góp phần làm nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP?

- Chú trọng đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN TP làm nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP được thể hiện qua việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại cho các tổ chức KH-CN công lập TP. Dự án này sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và trang thiết bị cho Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới - Neptech; đầu tư xây dựng và trang thiết bị Phòng Thí nghiệm phân tích chất lượng cao của TP cho Trung tâm Phân tích - Thí nghiệm; mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm an toàn các sản phẩm điện gia dụng và cơ khí cho Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

Xây dựng Phòng Thí nghiệm chế tạo robot công nghiệp cho Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KHKT. Xây dựng trụ sở của Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tại Công viên Phần mềm Quang Trung… Kế đó triển khai chương trình hợp tác với ĐHQG TPHCM về đầu tư các dự án phòng thí nghiệm của ĐH phục vụ các nhiệm vụ đặt hàng của TP thông qua nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao và phát triển các ngành công nghệ cao.

Cụ thể là: đầu tư dự án Phòng Thí nghiệm thiết kế vi mạch; Dự án Phòng Thí nghiệm cơ điện tử và đo lường; Dự án Phòng Thí nghiệm theo dõi và giám sát ngập lụt; Dự án Phòng Thí nghiệm nghiên cứu biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Sở cũng đề xuất cơ chế đầu tư Phòng Thí nghiệm của Đại học Quốc gia TPHCM sử dụng vốn ngân sách nhà nước của TP và quy chế phối hợp quản lý, khai thác sử dụng Phòng Thí nghiệm của Đại học Quốc gia TPHCM sau đầu tư để phục vụ tốt các nhiệm vụ đặt hàng của TP.

Song song đó sẽ thể chế hóa các cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng trí thức và hội nhập quốc tế về KH-CN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

BÁ TÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục