PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khẳng định, giá trị ở tính dân tộc, khoa học và đại chúng của Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện rõ nét ở những tác phẩm, đặc biệt là phim tài liệu và phim truyện Việt Nam. Song, để văn hóa có thể đứng ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, để điện ảnh Việt có thể định vị trên bản đồ điện ảnh thế giới, cần có sự đầu tư chiến lược, có trọng điểm.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, điện ảnh có phải là một trong những phương thức đưa văn hóa đến nhanh hơn với thế giới?
* PGS-TS ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ: Bằng con đường cảm nhận nghệ thuật nghe - nhìn, các giá trị văn hóa đã được lan tỏa, thẩm thấu từ phim ảnh đến mọi đối tượng khán giả. Mỗi bộ phim có chất lượng, tính hấp dẫn cao thường mang đến cho người xem xúc cảm, bài học đạo lý, những cách ứng xử tinh tế và các giá trị văn hóa một cách nhanh nhạy và có độ phổ biến rộng lớn.
Nhiều bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc... mới chỉ được trình chiếu phổ biến ở Việt Nam khoảng trên dưới ba thập niên, nhưng tác dụng của nó đến sự hiểu biết lịch sử, văn hóa của người Việt đối với hai quốc gia này khá lớn mà không có sách vở, tài liệu hay sự thuyết giảng sư phạm nào đạt được. Rõ ràng, thông qua phim ảnh, một đất nước có thể mở cửa, giới thiệu với cả thế giới về đất nước, thiên nhiên, phong cảnh cùng các tập tục, nét văn hóa, bản sắc riêng, đem đến cho khán giả những điều “trăm nghe không bằng mắt thấy”.
Gắn trường quay điện ảnh và truyền hình với du lịch, văn hóa, sử dụng bối cảnh các bộ phim tiêu biểu được khán giả yêu thích từ trước đến nay luôn là động cơ và mục tiêu của nhiều quốc gia, nhiều nền điện ảnh và truyền hình. Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim Việt Nam. Đó không chỉ là cách đưa văn hóa đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để đưa phim đi xa hơn, ghi dấu ấn riêng với khán giả thế giới.
- Điện ảnh Việt thời gian qua tuy chưa có những phát triển vượt bậc nhưng cũng đã ghi nhận những bước tiến rõ ràng?
* Điện ảnh thời điểm này có sự phát triển khá đa dạng. Cùng với dòng phim chính thống đề tài phim chiến tranh, cách mạng, lịch sử… được Nhà nước tài trợ, còn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh tư nhân với dòng phim hướng tới giải trí, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, xô đổ kỷ lục các phòng vé. Trong xu thế hòa nhập, xã hội hóa các hoạt động điện ảnh đang diễn ra khá sôi động.
Theo đó, điện ảnh tư nhân không ngừng phát triển mạnh mẽ là minh chứng rõ nét nhất khi có khá nhiều nhà làm phim tư nhân nhiệt tình, hăng hái mở hầu bao đầu tư cho hoạt động sản xuất, quảng bá, giới thiệu phim Việt Nam với khán giả trong nước và thế giới. Cùng với đó, dòng phim độc lập, hay còn gọi là dòng phim tác giả cũng đã gặt hái nhiều dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế.
- Có lẽ điện ảnh vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn để có thể bứt phá, trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa Việt Nam?
* Thời kỳ bao cấp, tuy lượng phim ít ỏi nhưng các đội chiếu bóng lưu động đã đến những vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh để phục vụ đồng bào (thể hiện tính đại chúng). Hiện nay, ngành văn hóa đã nhận được sự quan tâm hơn, song đầu tư cho điện ảnh vẫn còn rất khiêm tốn cả về số lượng cũng như kinh phí dành cho mỗi phim Nhà nước đặt hàng.
Thực tế, bên cạnh yếu tố tài năng, sức sáng tạo của nghệ sĩ, của ê kíp sản xuất thì kinh phí chính là một trong những phương tiện giúp thực hiện phim tốt nhất. Điện ảnh muốn làm một tác phẩm tốt không kể là phim giải trí, hay phim tuyên truyền theo đặt hàng, trước hết phải có tiền.
Bởi vậy, cần thẳng thắn chỉ ra rằng, điện ảnh Việt sẽ ảm đạm nếu không được sự quan tâm thật sự của Nhà nước với những đề tài kén khách, những bộ phim lịch sử, những bộ phim phản ánh cuộc kháng chiến của dân tộc, những bộ phim đi vào các góc khuất của con người, cuộc sống đương đại…
- Với hãng phim tư nhân, hướng đi nào là thích hợp nhất, thưa ông?
* Các hãng phim tư nhân, vì mục tiêu tồn tại và phát triển, việc họ duy trì dòng phim giải trí, thương mại để thu hồi vốn là điều đương nhiên. Để huy động nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn tư nhân làm phim nghệ thuật, phim tuyên truyền… là điều không tưởng trong thời điểm này. Còn đối với dòng phim tác giả (phim mà tác giả tự huy động vốn) thì thường hướng tới tiêu chí tranh giải tại các liên hoan phim.
"Để điện ảnh có thể phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, cần phải có sự đầu tư toàn diện về cơ chế cũng như kinh tế đối với các dòng phim, nhằm đảm bảo dòng chảy phong phú của điện ảnh, góp phần định vị điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới"
PGS-TS ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam