PCCC nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Nguy cơ nhiều, giải pháp chưa tương xứng

Tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp căn cơ về PCCC cho đối tượng này.
Công an quận 1 kiểm tra PCCC một cơ sở sản xuất trên địa bàn
Công an quận 1 kiểm tra PCCC một cơ sở sản xuất trên địa bàn

TPHCM hiện có hơn 294.000 nhà ở hộ gia đình kết hợp với kinh doanh, dịch vụ (trong tổng số hơn 1,3 triệu hộ gia đình). Trong đó, có hơn 12.000 căn nhà có cấu kiện xây dựng bằng các loại vật liệu dễ cháy; hơn 12.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; gần 18.000 hộ kinh doanh có hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn... Tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp căn cơ về PCCC cho đối tượng này.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thống kê cho thấy tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ (khoảng 50%) và thiệt hại về người (khoảng 83%), tài sản. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm. Gần 73% vụ cháy xảy ra do sự cố về điện. Qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM nhận thấy, cháy, nổ ở các hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tập trung chủ yếu vào 3 nhóm nguyên nhân chính. Sâu xa nhất chính là ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh không cao. Nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ, là hộ gia đình đã vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện. Khi xảy ra cháy, đám cháy dễ lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng là do hộ gia đình đã sắp xếp hàng hóa dễ cháy với khối lượng lớn ở ngay tầng trệt, lối đi lại. Trong khi đó, nhà lại không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói, nhiều hộ gia đình còn lắp thêm nhiều lớp cửa, làm lồng sắt bảo vệ để chống trộm, đến khi có cháy xảy ra thì... không thoát nạn được. 

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 11-9-2017 của UBND TPHCM về tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM, công tác PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả rõ nét nhất là lực lượng tại chỗ đã kịp thời xử lý gần 75% số vụ cháy xảy ra trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay còn một số vướng mắc, bất cập, hạn chế. Trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh đã được quy định cụ thể, rõ ràng tại Luật PCCC, Nghị định 79/2014/NĐ-CP là trách nhiệm của UBND các cấp, nhưng còn buông lỏng, chưa được chú trọng.

Các văn bản pháp quy điều chỉnh đối với đối tượng nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh còn nhiều bất cập. Đến nay, vẫn chưa có các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về điều kiện an toàn PCCC đối với các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, đa phần các nhà ở hộ gia đình sau khi hoàn công xây dựng đều cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng, kết hợp kinh doanh mà không chú trọng quan tâm đến công tác an toàn PCCC. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ gia đình cũng chưa được xem xét, kiểm tra, đánh giá đến các điều kiện an toàn về PCCC. 

Trên thực tế, đặc điểm của các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư là xây dựng một cách tự phát, không theo quy hoạch. Nhà xây dựng hình ống liền kề, san sát nhau không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, chỉ có một lối ra vào duy nhất và không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan. Trong cuộc sống hàng ngày, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ, lắp đặt bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà. Vì thế, khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra, người trong nhà thường khó, thậm chí không thể thoát ra ngoài. Như vậy, điều kiện an toàn về PCCC còn hạn chế, thiếu sót, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và khi cháy rất dễ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Cần giải pháp đồng bộ, căn cơ 

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TPHCM, không một giải pháp riêng rẽ nào có thể cải thiện được tình hình. Thực tế đòi hỏi nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, căn cơ. Trước mắt, cần tập trung xây dựng Hướng dẫn an toàn về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM. Hiện nay, chưa quy định cụ thể nào về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Về lâu dài, cần có sơ kết, tổng kết việc áp dụng văn bản hướng dẫn, từ đó xây dựng thành quy định về tiêu chí (hoặc tiêu chuẩn địa phương) an toàn về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM. Quy định này phải mang tính bắt buộc áp dụng chung, có các chế tài xử lý vi phạm nếu không tổ chức thực hiện. Đây là nội dung rất cần thiết, là hành lang pháp lý đảm bảo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Số lượng hộ kinh doanh đã tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC là hơn 58.600 hộ với hơn 91.000 lượt người tham gia, gần 42.000 người được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC.


Cùng với đó, cần xác định UBND phường, xã, thị trấn là cấp có trách nhiệm chính và trực tiếp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Cần giao cảnh sát khu vực là người trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ là nòng cốt của lực lượng PCCC tại chỗ. Trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC là hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy; tham mưu cho UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với hộ gia đình và hộ kinh doanh; tham mưu các chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo an toàn PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, pháp luật về PCCC đối với công an phường, xã, thị trấn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, pháp luật, quy định về PCCC cho lực lượng cảnh sát khu vực; tham mưu trong việc sử dụng lực dân quân, bảo vệ dân phố tham gia làm nòng cốt các đội PCCC dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở nhằm phát huy hiệu quả hoạt động trong công tác PCCC và thực hiện tốt phương châm  “4 tại chỗ”. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố tiếp tục cần được xây dựng theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường luyện tập nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp, sẵn sàng chiến đấu. 

Các “lỗ hổng” về pháp luật trong công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất như đã phân tích ở trên cũng cần sớm được “vá”. Với siêu đô thị như TPHCM, rất cần được Quốc hội, Chính phủ cho phép thành phố ban hành các quy định phù hợp với địa bàn, đặc biệt các tiêu chí an toàn PCCC với các đối tượng cơ sở này (trong đó cần quy định cụ thể các điều kiện an toàn PCCC, thoát nạn, thoát khói và trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC). Trong cuộc chiến phòng ngừa “bà hỏa” đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, cần tăng cường trách nhiệm cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan, ban, ngành. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC cũng cần được đa dạng, hấp hẫn hơn.

Một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người

Khuya 5-3-2013, căn nhà số 322 đường Hàn Hải Nguyên (phường 10, quận 11), xảy ra cháy. Lửa thiêu rụi cả căn nhà 3 tầng và làm chết 3 người. Căn nhà này được sử dụng để kinh doanh nhang và vàng mã, chứa rất nhiều các chất dễ cháy, cháy lan nhanh cùng với điều kiện thoát nạn không đảm bảo đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Rạng sáng 16-9-2014, cửa hàng kinh doanh phụ liệu làm tóc ở số 416 đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5), đã cướp đi sinh mạng của 7 người trong cùng gia đình. Căn nhà 416 Nguyễn Trãi chỉ có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính, điều kiện thoát nạn không đảm bảo, khi cháy mọi người đang ngủ, đám cháy phát triển lớn cùng với khói, khí độc đã không chừa cơ hội sống sót cho người nào trong nhà. 

Tin cùng chuyên mục