Pauliphonic và những chiếc hộp kỳ diệu

Benoit Paulis là chuyên gia bảo tồn, phục chế và tư vấn nhạc cụ, nhất là các loại đàn ống trong nhà thờ, nhưng tôi thích gọi anh là người làm nên những chiếc hộp âm nhạc kỳ diệu. Giữa một lễ hội, đám cưới, sân khấu nhỏ hay trong không gian đang chậm trôi ở nhà dưỡng lão, bệnh xá, còn gì bất ngờ thú vị hơn khi thấy những trang giấy đục lỗ li ti bỗng cuộn lên, cuốn dần vào chiếc hộp gỗ và rồi âm nhạc vang ra từ bàn tay của một người không phải nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp.
Benoit Paulis trong xưởng sản xuất và phục chế nhạc cụ tại Stavelot
Benoit Paulis trong xưởng sản xuất và phục chế nhạc cụ tại Stavelot

Tôi quen Ben (tên gọi thân mật của Benoit Paulis) đã vài năm. Mỗi lần lái xe về thành phố nhỏ Stavelot của vùng Ardennes giáp biên giới Bỉ - Luxemburg dự hội Laetare đầu xuân, tôi thường thấy Ben bận rộn với các nhóm khách tham quan xưởng làm đàn dưới nhà.

Mang đậm văn hóa dân gian vùng, lễ hội Laetare nổi tiếng của Bỉ ngập tràn âm nhạc. Xưởng của Ben trở thành một trong những điểm tham quan chính cho khách trẩy hội Laetare. Vợ của Ben là Yi Yu Hsu (người Đài Loan) từng làm việc cho phòng du lịch và một số tổ chức tại Stavelot. Khi Stavelot vào hội, cô cũng bận rộn giúp chồng sắp đặt cho những chuyến đón tiếp khách tham quan hoàn toàn miễn phí.

Ben bắt đầu học nghề tại Organ Manufacture Thomas - một công ty nổi tiếng về đàn ống trong nhà thờ ở Bỉ. Sau đó, anh trở thành chuyên gia về đại phong cầm. Từ năm 1996, Ben làm việc cho Triển lãm Invisible Musician (tạm dịch Nhạc sĩ vô hình) với bộ sưu tập 260 nhạc cụ cơ học.

Pauliphonic và những chiếc hộp kỳ diệu ảnh 1 Benoit Paulis trong xưởng sản xuất và phục chế nhạc cụ tại Stavelot
Vào năm 2004, anh lập nên thương hiệu Pauliphonic cho xưởng sản xuất và phục chế nhạc cụ riêng tại Stavelot. Không chỉ chuyên thiết kế các loại đàn hộp kiểu mới có tay quay, Ben còn phục chế đàn ống, phong cầm tự động, hộp nhạc... Nhanh chóng, danh tiếng của Pauliphonic đã vang qua biên giới, các nghệ sĩ biểu diễn organ đường phố, nhà sưu tập, người của bảo tàng... tìm đến Ben. Hiện Pauliphonic cũng xuất khẩu, phục chế nhạc cụ tại một số nước ở châu Âu, châu Á và Mỹ.

Có khi một bảo tàng ở Đài Loan mời Ben sang phục chế nhạc cụ trong suốt cả năm trời. Các nhà thờ, bảo tàng... là khách hàng lớn của anh thời điểm này. Tôi thích nhất là được ngắm anh trong hình ảnh nghệ nhân đồ gỗ hàng đầu, tự tay bào, giũa, gọt, đóng, lắp ống hơi, sơn, vẽ hoàn chỉnh một chiếc đàn hộp có tay quay theo yêu cầu riêng của khách. Rồi Ben bắt đầu thử đàn, các bánh răng cưa cuốn vào từng trang nhạc đục lỗ, cả xưởng Pauliphonic vang lên giai điệu bản Bella Ciao bi tráng. Trung bình phải mất 3 tháng mới xong chiếc đàn handmade (làm thủ công) như vậy. Và tùy yêu cầu từng khách, một chiếc đàn có giá 3.700 - 10.000 EUR.

Các loại đàn quay tay, hộp nhạc chính là cách để con người tự do thưởng thức âm nhạc trước khi máy hát, máy ghi âm ra đời. “Vào khoảng thế kỷ 17, đây là loại đàn truyền thống ở Trung Âu. Chơi nhạc cụ này không đòi hỏi bất kỳ kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp nào và cũng không cần điện. Thông qua tay quay, những cuộn giấy cứng đục lỗ theo đường dích dắc từ từ chạy trên các bánh răng như chiếc lược thép và phát ra âm thanh khi đi qua hệ thống ống hơi của một hộp gỗ. Tôi thường bàn bạc rất lâu với khách hàng về cách trang trí chiếc đàn một cách lý tưởng nhất, đúng như giấc mơ của họ” - Ben nói.

Khách hàng của Ben hiện nay vẫn là những nghệ sĩ biểu diễn trên phố, ca sĩ từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, đội hợp xướng, nhà sưu tầm, người yêu thích đàn, và cả những gia đình qua nhiều thế hệ gắn bó với nhạc cụ này. Ngay cả các nhân vật nổi tiếng cũng đặc biệt thích thú khi được tặng chiếc hộp kỳ diệu này trong tiệc mừng sinh nhật, lễ cưới... Còn gì lãng mạn hơn khi ta hoàn toàn nghiệp dư trước những phím đàn, bỗng một ngày thấy mình trở thành nghệ sĩ khi đều đều tay quay chiếc hộp kỳ diệu ấy?

Tin cùng chuyên mục