Bạn trẻ nhất hội trả lời rằng tăng giá một chút thì cũng chẳng sao vì bạn ấy chỉ sử dụng xe hơi để đi chợ hoặc đi chơi loanh quanh vào cuối tuần. Đó là câu trả lời chung cho nhóm chúng tôi, những người sống tại Paris và các vùng ngoại ô lân cận.
Chúng tôi được sử dụng một hệ thống phương tiện giao thông đồ sộ tại Ile de France: xe buýt, tàu điện, xe lửa, xe hơi, xe đạp công cộng... , nhưng với những người Pháp sống ở các tỉnh khác, phương tiện di chuyển chủ yếu của họ lại là xe hơi.
Chúng tôi đã không nghĩ đoạn video rất đơn giản đó đã đánh thức nỗi bất bình sâu thẳm của tầng lớp người Pháp có mức thu nhập thấp, là điểm khởi đầu của những cuộc biểu tình bạo lực sau đó. Những ngày đầu của cuộc biểu tình, nhóm “áo vàng” chặn đường, cắt lưu thông xe cộ, chiếm trạm thu phí giao thông tại một số tỉnh... Chúng tôi nghe tin nhưng chỉ xem như những cuộc biểu tình khác tại Pháp. Ai cũng biết, người pháp đi biểu tình như việc họ uống rượu vang, ăn phô mai và bánh mì baguette.
Nhưng không, làn sóng phản đối lần này lan rộng, hùng hục lao về phía trước, hút về phía nó cả cánh tả lẫn cánh hữu. Thế cho nên, ngày 23 và 24-11, sau cuộc biểu tình của 800.000 người, những cửa hiệu nổi tiếng trên đại lộ Champs-Élysée bị cướp bóc, những bức tượng điêu khắc ở Khải Hoàn Môn bị đập nát... Vài ngày sau, làn sóng biểu tình diễn ra ngay dưới chân trụ sở làm việc của tôi. Chúng tôi mở cửa sổ nhìn biển người ở dưới. Học sinh trung học reo hò inh ỏi chống những cải cách trong hệ thống giáo dục. Bà trưởng phòng sắp về hưu của chúng tôi chặc lưỡi: “Bọn trẻ kích động quá, ngày xưa đi biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, chúng tôi đã không làm như thế”.
Những cuộc biểu tình của nhóm “áo vàng” là chủ đề chính trong những buổi ăn trưa tại cơ quan. Phần lớn ủng hộ lý do biểu tình nhưng phản đối cách hành động. Dân Pháp đau lòng trước những hình ảnh bạo lực gây nên bởi chính người dân của họ. Ai cũng nghĩ nếu nhóm “áo vàng” không thay đổi cách hành động, vẫn duy trì bạo lực, thì chắc chắn điều đó sẽ bùng lên làn sóng chống bạo lực.
Bài phát biểu dài 13 phút của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa phát trên truyền hình được đánh giá là sự thừa nhận trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng phong trào “áo vàng”. Nhưng không phải ai cũng hài lòng với những gì tổng thống nói. Tuần trước, khi tổng thống hủy tăng thuế nhiên liệu, hội “áo vàng” đã nghi ngờ tính chân thật của những quyết định đó, và cho biết tiếp tục đứng ngoài trời suốt mùa Giáng sinh, cả Tết Dương lịch bất kể mưa hay là tuyết rơi, nếu cần.
Thứ bảy tuần này, liệu đại lộ Champs-Élysées có lại nhộn nhịp đèn, hoa; người người lại đi mua sắm cho dịp Giáng sinh!