Dù Hà Nội và TPHCM đều có chỉ số PAPI ở mức trung bình cả nước nhưng đây cũng là 2 địa phương được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống, trong đó TPHCM chiếm ngôi đầu: 21,68%, Hà Nội: 15,10% và Đà Nẵng: 11,34%. Điều này lý giải phần nào 1 trong 3 vấn đề hệ trọng nhất mà người dân quan tâm là việc làm (chiếm tỷ lệ 12,79%, bên cạnh nghèo đói chiếm 22,39% và tăng trưởng kinh tế chiếm 9,2% trong bảng khảo sát PAPI 2023) khi đây vẫn là 2 thị trường thu hút lao động - việc làm lớn nhất.
Cho nên, có thể hiểu một trong những cơ sở quan trọng để lựa chọn “muốn chuyển đến sinh sống” là do gắn với nhu cầu lao động kiếm sống hơn là chất lượng sống khi chỉ số Quản trị môi trường thì Hà Nội (2,868) và TPHCM (2,964) đều ở mức thấp! Thành thử thật sự hữu ích và có phần sẽ công bằng hơn với cả 2 thành phố lớn khi đi vào các chỉ số thành phần, nhất là các thành phần mục tiêu sẽ thấy sự theo đuổi không ngừng nhằm cải thiện các chỉ số cải cách thể chế và môi trường sống. Thực tế, đây là 2 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà TPHCM kiên trì thực hiện, thúc đẩy và đã tạo nên sức chuyển - động - thực trong hơn một năm qua.
Ở trục nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cả trên bình diện quốc gia và thành phố đều là 1 trong 2 chỉ số có mức cải thiện đáng kể (cùng với Quản trị điện tử). Điều này cho thấy tác động tích cực của công cuộc phòng, chống tham nhũng trong tiếp nhận, đánh giá của người dân.
Trên đà tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính thì chỉ số lòng tin về mức độ kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là thước đo hiệu quả cải cách thể chế, góp phần thu hút nhà đầu tư. Điều này phần nào lý giải cho kết quả TPHCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm qua.
Ở trục nội dung cung ứng dịch vụ công, năm qua có tăng điểm nhưng không đáng kể so với năm 2022. Xét trong cấu trúc điểm, nội dung thành phần về y tế công lập có giảm điểm. Hai nội dung thành phần về giáo dục tiểu học công lập và cơ sở hạ tầng căn bản có điểm số cải thiện so với năm 2021, trong khi nội dung thành phần về an ninh, trật tự khu dân cư có giảm điểm nhẹ. Điều này dễ nhận biết khi hệ lụy của làn sóng rời y tế công và nỗ lực thiết lập sự cân bằng trong chính sách đầu tư cho y tế cơ sở của thành phố đã dần “vãn hồi” hiện trạng của ngành trong và ngay sau đại dịch. Cũng như cách thức theo đuổi mục tiêu giáo dục - cả về cơ chế đặc thù lẫn chính sách an sinh - và điểm sáng nổi bật nhất của năm 2023 là tập trung cải thiện hạ tầng giao thông đô thị. Xét ở góc độ thực tế và nhân văn nhất thì đây chính là nguyên do tạo nên sức hút cho lựa chọn “muốn chuyển đến sống” cao nhất của thành phố, bên cạnh yếu tố việc làm.
Ở trục Quản trị điện tử, sau 2 năm sụt giảm, đến năm 2023 chỉ số được cải thiện từ 11 lên vị trí thứ 8/63 tỉnh thành, phản ánh đúng sự chuyển động và kết quả bước đầu của việc vận hành chính quyền số đã được người dân tiếp nhận, hợp tác, thụ hưởng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nội dung thành phần về phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử đang có xu hướng giảm điểm qua các năm.
Do đó, đòi hỏi chính quyền thành phố sớm có giải pháp, bởi không chỉ là điểm số xếp hạng mà là năng lực lẫn chức trách công vụ để đồng bộ hóa từ mức độ đầu tư hạ tầng điện tử đến quản trị điện tử và ứng dụng đi cùng phục vụ người dân trên nền tảng điện tử, gia tăng chất lượng sống cho người dân đô thị. Điều này sẽ tương ứng với sự tăng điểm duy nhất trong trụ cột Tham gia của người dân ở cấp cơ sở là Tri thức công dân hay sự cải thiện đáng ghi nhận ở chỉ số giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân.