
Theo CNA, thỏa thuận này được cho là một phần của các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Panama José Raúl Mulino và các quan chức Mỹ, với trọng tâm là bảo vệ lợi ích thương mại và chiến lược của cả hai nước.
Thỏa thuận chỉ cho phép triển khai binh sĩ Mỹ đến các cơ sở do Panama kiểm soát để tham gia huấn luyện, tập trận và các hoạt động khác, không cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ thường trực của riêng mình trên eo đất này. Do đó, số lượng binh sĩ triển khai sẽ hạn chế, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và giám sát, chứ không phải một lực lượng chiếm đóng quy mô lớn.
Đây được cho là một sự nhượng bộ lớn đối với Tổng thống Donald Trump khi ông tìm cách tái lập ảnh hưởng đối với tuyến đường thủy quan trọng này. Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 1-2025, ông Trump tuyên bố sẽ lấy lại quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược mà Mỹ đã tài trợ, xây dựng và kiểm soát cho đến năm 1999.

Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài khoảng 82km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Kênh đào cắt ngang eo đất Panama và là tuyến đường quan trọng, xử lý khoảng 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu, trong đó Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều nhất, chiếm hơn 70% hàng hóa vận chuyển qua đây.
Trung Quốc hiện có khoảng 20% hàng hóa qua kênh đào. Kênh đào Panama cũng là tuyến đường ngắn nhất nối Đông Á với Bắc Mỹ và châu Âu. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào kênh đào như Nhật Bản hay Hàn Quốc.