Theo quy định, trong trường hợp không có đảng nào giành được đa số tối thiểu, đảng giành được số ghế lớn nhất trong Quốc hội có thể đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp.
Theo một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội X đêm 11-2, Chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz Shehbaz Sharif cho biết, các đảng của gia tộc Sharif và Bhutto “đã đồng ý về nguyên tắc để cứu đất nước khỏi bất ổn chính trị”.
Chủ tịch PML-N Shehbaz Sharif đã liên hệ với lãnh đạo đảng Jamiat Ulema-e-Islam-F (JUI-F) Maulana Fazlur Rehman để thông báo về cuộc đàm phán với PPP, đồng thời kêu gọi lãnh đạo JUI-F ủng hộ thành lập chính phủ liên hiệp. Ông Maulana Fazl khẳng định sẽ phúc đáp trong ngày 14-2. Trong khi đó, PML-N đã tổ chức cuộc họp với đảng Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) ở thành phố Lahore và có cuộc gặp đảng PML-Q trong ngày 12-2 ở thủ đô Islamabad…
Chuỗi hoạt động trên diễn ra sau khi kết quả bầu cử được công bố cho thấy các ứng cử viên độc lập giành được 101 ghế, đảng PML-N của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif có 75 ghế và đảng PPP của cựu Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari sở hữu 54 ghế, đảng MQM kiểm soát 17 ghế, đảng JUI-F nhận được 4 ghế.
Chính phủ sắp tới của Pakistan được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và tình trạng di cư bất hợp pháp.
Theo Reuters, quốc gia với 241 triệu dân này đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế và đấu tranh với bạo lực quân sự trong một môi trường chính trị bị phân cực sâu sắc. Lạm phát đang tăng vọt ở mức gần 30%, khi đồng rupee giảm giá mạnh suốt 3 năm qua và thâm hụt cán cân thanh toán nặng nề đã dẫn đến quyết định ngừng nhập khẩu, cản trở đáng kể tiến trình thúc đẩy công nghiệp phát triển tại Pakistan.