Otto đánh bại Karel

Việc Hy Lạp thắng CH Czech 1-0 có thể là một bất ngờ lớn, nhưng không còn mới, vì nó đã trôi qua gần 24 giờ. Vấn đề hiện nay là chúng ta sẽ nhận định thế nào về chiến thắng của Hy Lạp, cũng như tìm ra nguyên nhân mà người Czech thất bại một cách cay đắng đến như vậy?
Otto đánh bại Karel

Việc Hy Lạp thắng CH Czech 1-0 có thể là một bất ngờ lớn, nhưng không còn mới, vì nó đã trôi qua gần 24 giờ. Vấn đề hiện nay là chúng ta sẽ nhận định thế nào về chiến thắng của Hy Lạp, cũng như tìm ra nguyên nhân mà người Czech thất bại một cách cay đắng đến như vậy?
 
Trước hết, cần nhìn nhận đây là một trận đấu mà “Thần may mắn” không đứng về phía đội Czech. Cú sút chạm xà ngang ở phút 3 của Rosicky như một điềm xui, rồi thủ lĩnh Pavel Nedved tự mình gây ra chấn thương (giãn dây chằng gối) cho mình khi sút hụt bóng trúng vào hông hậu vệ Hy Lạp, buộc phải rời sân giữa hiệp một, đã đẩy Czech vào chỗ như “rắn mất đầu”.

Song, đó chỉ là vài nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh. Trên bình diện chung, HLV trưởng Otto Rehhagel đã thắng HLV trưởng Karel Bruckner ngay trên bàn cờ.

Otto bày trận

Otto đánh bại Karel ảnh 1
Niềm vui chiến thắng của Otto Rehhagel.

Hy Lạp vào trận không quá thận trọng và co cụm phòng ngự như người ta tưởng, mà dám ăn miếng, trả miếng mỗi khi có cơ hội tấn công. Đó là bất ngờ đầu tiên dành cho người Czech.

Kế đến, các hậu vệ Hy Lạp đeo bám các tiền đạo, tiền vệ Czech ở 1/ 2 phần sân nhà như những “con đỉa đói”. Katsouranis đeo Nedved, Seitaridis theo Baros, Zagorakis bám Rosciky, còn người khổng lồ Jan Koller bị Kapis “chăm sóc” ở tầm thấp và trung vệ lực lưỡng Dellas canh chừng tầm cao, ở những tình huống cố định.

Việc phân công nhiệm vụ của ông Otto rất rõ, nhưng quan trọng là các cầu thủ Hy Lạp đã tuân thủ một cách xuất sắc theo đúng phong cách của người Đức. 

Nước cờ của ông Karel

Otto đánh bại Karel ảnh 2
Nỗi buồn thất bại của Karel Bruckner.

Tấn công là nước cờ duy nhất mà Czech phải chọn. Họ cắm sâu Koller vào giữa hàng thủ đối phương. Baros, Nedved, Poborsky, Rosciky phong tỏa bên ngoài tạo thành thế gọng kềm.

Lối chơi “ngõ hẻm Tiệp Khắc” được tận dụng triệt để, nhưng các đường chuyền bổng vào giữa “nóc nhà trận đấu”, tức cái đầu trọc lóc của Koller cao 2,02m cũng thường xuyên được sử dụng. Karel xua quân lên tấn công, nhưng cũng ngại đòn phản công của Hy Lạp, nên luôn túc trực 4, 5 cầu thủ trên phần sân nhà. Thế trận không thoải mái!

Chiếu bí!

Kiểu bày trận của Hy Lạp không cho Czeck áp dụng lối chơi chọc khe, lòn lách theo kiểu “ngõ hẻm Tiệp Khắc”, mặt khác buộc đối phương phải di chuyển nhiều hơn để thoát khỏi sự đeo bám, dẫn đến hao tốn nhiều sức lực. Trong khi, nếu nói về thể lực, cầu thủ Hy Lạp lợi thế hơn nhờ nghỉ nhiều hơn 2 ngày.
 
Chưa hết, những thông số kỹ thuật như số lần sút bóng, phạt góc, thời gian kiểm soát bóng của Czech nhiều hơn, nhưng nhịp điệu trận đấu, lúc tăng, lúc giảm là do Hy Lạp quyết định.

Đây không phải là một nghịch lý vì chính Hy Lạp chủ động tổ chức phòng ngự và tự do tổ chức các đợt tấn công theo ý đồ của mình. Họ tăng tốc ở đoạn cuối mỗi hiệp đấu, nhất là vào hiệp phụ, khi mà Czech bắt đầu đi bộ trên sân, còn ông Karel lâm vào thế lúng túng, không có những quyết định sáng suốt khi thay người.

Tóm lại, Otto quyết định phá thế trận của Czech trước, rồi mới chiếu bí đối phương, giải quyết số phận trận đấu sau. 
 
Hy Lạp vào chung kết quả là một câu chuyện thần kỳ, nhưng nếu xem kỹ trận đấu rạng sáng hôm nay, chúng ta sẽ thấy đó là bài toán được ông Otto Rehhagel giải một cách xuất sắc.
 
MINH HÙNG
 

 

Tin cùng chuyên mục