Thắt chặt nguồn cung
OPEC đưa ra đánh giá lạc quan trên khi giá dầu toàn cầu ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay. Trong phiên giao dịch ngày 11-8, dầu Brent tăng hơn 0,16%, được giao dịch ở mức trên 86,47 USD/thùng. Dầu WTI tăng 0,15%, giao dịch ở mức trên 82 USD/thùng.
OPEC và các đối tác, được gọi là nhóm OPEC+, đã hạn chế nguồn cung vào cuối năm 2022 nhằm thúc đẩy thị trường. Tháng 6 năm nay, OPEC+ thống nhất tiếp tục chính sách hạn chế nguồn cung trong năm 2024. Nguồn cung thắt chặt đã tạo động lực cho đà đi lên của giá dầu.
Báo cáo của OPEC cũng cho thấy, sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 7-2023 đã giảm mạnh khi Saudi Arabia thực hiện cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia mới đây thông báo sẽ tiếp tục động thái này trong tháng 9 tới, dấu hiệu cho thấy nước này có thể tiếp tục giảm nguồn cung dầu thô trong tương lai gần. Ngay sau thông báo của Saudi Arabia về việc giảm nguồn cung dầu thô, phía Nga cho biết cũng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày vào tháng 9.
OPEC dự báo, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày của năm 2023.
Theo OPEC, trong năm 2024, đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu. OPEC cho rằng, các yếu tố cơ bản lành mạnh của thị trường trong nửa cuối năm nay, cùng với cách tiếp cận chủ động, thận trọng của OPEC và các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhiều ẩn số
Tuy nguồn cung dầu sụt giảm, nhưng thị trường lại đang được hứa hẹn những nguồn cung mới. Sản lượng dầu của Mỹ đang tăng nhanh hơn các dự báo trước đây. Báo cáo của OPEC cũng cho biết, sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng 850.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày trong năm 2023, vượt mức đỉnh gần đây nhất 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Ngoài ra, vào ngày 9-8, Iran cũng tuyên bố có thể tăng sản lượng lên 3,5 triệu thùng/ngày vào cuối tháng này - là mức sản lượng Iran chưa từng đạt tới, sau khi Mỹ tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Tehran.
Trước những diễn biến trên thị trường dầu mỏ, giới chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ vẫn còn nhiều ẩn số tác động tới giá những tháng cuối năm khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, liên tục công bố nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ nguồn lực tài chính cho khối doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu công bố vào đầu tháng 8, nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng việc làm vừa phải trong tháng 7-2023, nhưng mức tăng tiền lương vững mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm cho thấy các điều kiện thị trường lao động tiếp tục thắt chặt. Sự suy yếu trong hoạt động kinh doanh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở nên tồi tệ hơn so với dự báo vào tháng 7-2023 và Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm cũng khiến giới đầu tư thận trọng. Do đó, về trung hạn, giá dầu sẽ chưa thể vượt mức 100 USD/thùng.