Cử tri đoàn vẫn họp vào ngày 14-12
Vụ kiện do Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton, một đồng minh trung thành của ông Donald Trump đưa ra nhằm tìm cách kiện 4 bang Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin (các bang mà ông Biden giành chiến thắng) nhằm đảo ngược kết quả. Bang Texas cáo buộc 4 bang trên kéo dài thời gian bỏ phiếu qua bưu điện do dịch Covid-19, nên động thái này là phạm pháp. Ông Paxton đề nghị Tòa án Tối cao phải ngăn chặn ngay 4 bang này sử dụng kết quả bỏ phiếu để chọn đại cử tri, đồng thời kiến nghị tòa hoãn việc cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống vào ngày 14-12 tới. Tổng thống Donald Trump, cùng với sự ủng hộ của 19 Bộ trưởng Tư pháp các bang thuộc đảng Cộng hòa và 126 Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tạo ra áp lực buộc Tòa án Tối cao phải vào cuộc.
Tuy nhiên, 6 trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao không đồng ý thụ lý vụ kiện này. Tòa án Tối cao Mỹ cho rằng, bang Texas không chứng minh được quyền hợp pháp để khởi kiện theo Điều III của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, bang Texas không thể hiện lợi ích của họ có thể có về mặt tư pháp liên quan đến cách thức mà các tiểu bang khác bầu cử. Với phán quyết này, Tòa án Tối cao cũng đã ngăn các bang khác có động thái tương tự như bang Texas. Theo CNN, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ là dấu hiệu mạnh nhất cho thấy Tổng thống Donald Trump không có cơ hội lật ngược kết quả bầu cử. Như vậy, cử tri đoàn vẫn sẽ họp vào ngày 14-12 để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Steve Vladeck, nhà phân tích về Tòa án Tối cao của CNN và là Giáo sư Luật của Đại học Texas, nhận định: “Từ góc độ pháp lý, xem như mọi việc đã kết thúc”.
Dấu chấm hết
Phản ứng với phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter: “Tòa án Tối cao thực sự khiến chúng tôi thất vọng. Không trí tuệ, không dũng cảm!”. Ông Mike Gwin, người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của ông Biden, cho biết quyết định này “không có gì ngạc nhiên”.
Như vậy, trong 5 tuần qua, các tòa án liên bang và tiểu bang đã bác bỏ hầu hết các nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của ông Donald Trump một cách triệt để. Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ dường như là dấu chấm hết cho những đấu tranh pháp lý của ông Donald Trump về kết quả bầu cử năm 2020. Tuy nhiên, theo AP, những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump có thể gây mất ổn định rất lâu sau khi ông rời nhiệm sở. Luật sư riêng của ông Donald Trump, Rudy Giuliani, đã thề sẽ tiếp tục chiến đấu. Rick Hasen, Giáo sư Luật tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Một số vụ kiện tụng có thể tiếp tục, nhưng nó sẽ không thay đổi kết quả bầu cử. Việc ông Donald Trump kiện tụng kết quả bầu cử sẽ còn ảnh hưởng trong nhiều năm tới. Và đó là một bi kịch thực sự”.
Theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công không ngừng của ông Donald Trump vào quá trình bầu cử có thể làm suy yếu thêm niềm tin của người Mỹ vào các thể chế của chính phủ. Bà Jennifer Mercieca, nhà sử học hùng biện chính trị người Mỹ và là Phó giáo sư Khoa Truyền thông tại Đại học Texas A&M, cho rằng, ông Trump đã khuếch đại nội dung ngoài lề từ các trang web và bản tin theo thuyết âm mưu. Bà Mercieca nói: “Tất cả điều này đã phục vụ lợi ích của ông ấy rất tốt nhưng nó làm xói mòn sự ổn định dân chủ”. Còn theo bà Lauren Wright, nhà khoa học chính trị tại Đại học Princeton, các lý thuyết âm mưu gây ra rủi ro cho an toàn công cộng, làm suy yếu các thể chế dân chủ và khiến người Mỹ dễ bị đe dọa từ các đối thủ nước ngoài. Cuộc tấn công của ông Donald Trump vào quá trình bầu cử có thể không làm tổn thương cá nhân ông ấy, nhưng có những hậu quả đối với đất nước nói chung ở quy mô mà chúng ta có thể chưa nhận thức được.