Sáng sớm cùng ngày, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội, đơn vị xét xử đã dựng rạp để những người liên quan dự phiên tòa.
Công tác an ninh được cơ quan xét xử đặc biệt quan tâm khi các bị cáo, luật sư, người liên quan và cả phóng viên đều được kiểm soát chặt chẽ.
Khoảng 7 giờ, xe chở các bị cáo đến trụ sở tòa án. Các bị cáo được đưa đến tập trung và lên thẳng phòng xét xử.
Trong vụ án này, ông Trịnh Văn Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, cùng 5 thuộc cấp bị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại quy định tại Điều 174, Khoản 4, Điểm a - Bộ luật Hình sự) và “Thao túng thị trường chứng khoán” (theo quy định tại Điều 211, Khoản 2, Điểm b - Bộ luật Hình sự).
Có khoảng 90 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, trong đó riêng ông Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.
Hội đồng xét xử đã triệu tập 38 pháp nhân là các công ty có liên quan đến việc chuyển tiền ra - vào của Tập đoàn FLC, bao gồm các công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Ngoài hệ sinh thái Tập đoàn FLC còn có một số công ty bên ngoài.
Tòa còn triệu tập 22 người làm chứng, 21 cá nhân liên quan (là những người nhận tiền, chuyển tiền cho ông Trịnh Văn Quyết), 8 giám định viên (gồm 2 giám định viên của Bộ Tài chính, 6 giám định viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), 4 ngân hàng.
Trước ngày xét xử, luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, gia đình ông Quyết đã nộp khắc phục thêm 23 tỷ đồng, nâng tổng số tiền khắc phục hậu quả vụ án của ông Quyết lên hơn 210 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Để thực hiện, ông Trịnh Văn Quyết giao cấp dưới trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.
Các bị cáo thuộc Công ty Faros, công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế… đã ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống..., để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.
Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích thu lợi bất chính trên thị trường chứng khoán thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của các công ty trong Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC để thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên các cá nhân, pháp nhân tại 41 công ty chứng khoán. Đồng thời chỉ đạo các em gái của mình thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu nói trên, thu lợi bất chính số tiền 723 tỷ đồng.