Trả lời luật sư, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, ông có tham vọng phát triển Công ty Faros thành công ty lớn mạnh trong lĩnh vực xây dựng, đủ sức thực hiện các dự án nội bộ tại Tập đoàn FLC và bên ngoài. Cho tới khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông cơ bản đã thực hiện được ý tưởng này.
Ông Trịnh Văn Quyết nói, thực tế Công ty Faros đã triển khai, thi công nhiều dự án hàng ngàn hecta, trong đó có các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định…
Điểm lại quá trình tăng giá cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), có thời điểm tới hơn 200.000 đồng/cổ phiếu, luật sư Vũ Đặng Hải Yến hỏi, tại sao không bán khi cổ phiếu ở đỉnh giá, lại để khi ở mức 2.000 đồng mới thực hiện bán.
Trước tòa, ông Trịnh Văn Quyết cho hay, Công ty Faros là tâm huyết của ông, ông chỉ muốn có thêm cổ phần, chưa bao giờ muốn bán. Do năm 2020 dịch Covid-19 khiến tài chính khó khăn, ông bán với tâm thế nhất định sẽ mua lại, nhưng chưa kịp thực hiện mua lại thì bị bắt.
Trong khi đó, đại diện Công ty Faros cho hay, trước và sau giai đoạn ông Quyết bị bắt, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, hiện vẫn là tổng thầu các công trình cho Tập đoàn FLC. Song mã ROS của công ty đã bị đình chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 8-2022 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Ông Trịnh Văn Quyết khai, dù bán cổ phiếu ROS với giá 2.000 đồng nhưng tin tưởng công ty đang rất tốt, cả hệ thống vận hành tốt, làm chủ các dự án quy mô lớn. Theo thông tin từ ông Quyết, tài sản của ông vẫn đang được thế chấp cho các khoản vay của Công ty Faros, chưa tất toán và ngoài các tài sản này không còn gì khác.
Trong vụ án này, cả 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc trách nhiệm với khoản tiền 4.300 tỷ đồng. Ông nói trước tòa rằng, toàn bộ tài sản tích lũy sau hơn 20 năm lập nghiệp đều đang bị cơ quan tố tụng phong tỏa. Nếu tòa tuyên buộc bồi thường toàn bộ 4.300 tỷ đồng, ông xin được tạo điều kiện xử lý toàn bộ số tài sản bị phong tỏa để có tiền nộp lại. Số tiền ông Trịnh Văn Quyết ước tính khi bị phong tỏa, kê biên khoảng 5.000 tỷ đồng, do vậy sẽ đủ để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án.
"Tôi là người yêu lao động và mong muốn có nhiều cống hiến cho xã hội và cộng đồng. Xin hội đồng xét xử cho tôi có cơ hội sớm quay trở lại cộng đồng để tiếp tục làm việc, để có thể nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả. Đồng thời, tôi vẫn đang nỗ lực vận động gia đình, người thân, bạn bè cho vay để nộp tiền", ông Quyết nói.
Trước phiên tòa, ông Trịnh Văn Quyết đã nộp lại hơn 200 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án, ông nói đây là số tiền mà đối tác tạm trả khi ông bán hãng hàng không Bamboo Airways. “Số tiền trên đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra, người mua Bamboo Airways hứa sẽ trả thêm 500 tỷ đồng, số tiền này tôi cũng sẽ nộp ngay toàn bộ để khắc phục”, ông Quyết khẳng định.
Như Báo SGGP đã thông tin, tại phiên tòa chiều cùng ngày, vợ của ông Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thay chồng nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng. Hiện số tiền ông Trịnh Văn Quyết đã nộp là hơn 237 tỷ đồng, là người khắc phục nhiều nhất trong 50 bị cáo.