Tại quyết định thành lập, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ của BCĐ với 4 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Với việc ban hành quyết định này, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập BCĐ về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí; thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của thành phố.
Tại hội nghị công bố quyết định sáng nay, ông Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ban, ngành TP Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội.
Ngay trong ngày đầu công bố quyết định thành lập BCĐ, ông Trần Sỹ Thanh đã nghe báo cáo về tình hình triển khai, các tồn tại, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân) đang được dư luận xã hội quan tâm để tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, tổ chức triển khai thi công và phấn đấu hoàn thành công viên bàn giao đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội công bố kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân thủ đô về các vấn đề, vụ việc, hành vi gây thất thoát, lãng phí trên các kênh thông tin chính thống trên cổng thông tin thành phố.