Ông Trần Quí Thanh bị đề nghị 9-10 năm tù

Luận tội các bị cáo, đại diện VKS nhận định bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này…, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh mức án 9-10 năm tù.

Ngày 24-4, tiếp tục phiên tòa xét xử ông Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát) và 2 con gái là Trần Uyên Phương (cựu Phó Giám đốc) và Trần Ngọc Bích (cựu Phó Giám đốc) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", đại diện VKSND TPHCM đã phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

z5378737404338_a6da0cb4690bebe84d7d68397206955b.jpg
Đại diện VKS luận tội. Ảnh: THÀNH CHUNG

Theo đại diện VKS, có đủ cơ sở xác định, các bị cáo Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, trong đó bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính. Các bị cáo giữ vai trò quản lý điều hành trong công ty, có kinh nghiệm trong kinh doanh. Để che giấu việc cho vay tài sản, họ đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần. Các bị hại trong vụ án bị thiệt hại số tiền lớn trong thời gian dài.

Cụ thể, trong thời gian 2019-2020, các bị cáo đã cho 4 cá nhân vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Bên vay được yêu cầu ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần dự án, lập cam kết bán/mua lại tài sản sau mỗi 3 tháng tương ứng với số tiền vay cộng với tiền lãi của 3 tháng để che giấu việc cho vay. Tuy nhiên, khi bên vay chuẩn bị đầy đủ tiền để trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận thì các bị cáo nại lý do để từ chối nhận tiền và không trả lại tài sản.

Thanh 1.jpg
Bị cáo Trần Quí Thanh

Tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt của bị hại hơn 1.048 tỷ đồng, cụ thể:

Vụ thứ 1, ông Thanh và bà Phương cho ông Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỷ đồng; thế chấp bằng 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đều có địa chỉ tại Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM trị giá hơn 195,3 tỷ đồng. Đến khi ông Lâm Sơn Hoàng chuẩn bị đủ tiền để trả thì phía Trần Quí Thanh lấy lý do ông Lâm Sơn Hoàng chậm trả, không cho chuộc lại tài sản. Giá trị chiếm đoạt là 80,3 tỷ đồng.

Vụ thứ 2, ông Thanh và bà Phương cho ông Nguyễn Huy Đông vay 80 tỷ đồng; thế chấp bằng 2 thửa đất tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM trị giá 118,9 tỷ đồng. Đến khi ông Đông chuẩn bị đủ 80 tỷ để nhận lại 2 thửa đất thì các bị cáo yêu cầu phải trả thêm 15 tỷ nếu không không cho chuộc lại tài sản. Giá trị chiếm đoạt là 38,9 tỷ đồng.

Vụ thứ 3, ông Thanh và bà Phương cho ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng; thế chấp 2 thửa đất ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM trị giá 83 tỷ đồng. Đến khi ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để nhận lại 2 thửa đất (lúc này ông Thanh đã tách thành 29 thửa đất) thì các bị cáo yêu cầu phải trả thêm 14 tỷ đồng nếu không không cho chuộc lại tài sản. Giá trị chiếm đoạt là hơn 48 tỷ đồng.

Vụ thứ 4, ông Thanh, bà Phương và bà Trần Ngọc Bích cho bà Đặng Thị Kim Oanh vay 500 tỷ đồng; thế chấp dự án Minh Thành trị giá 842 tỷ đồng và dự án Nhơn Thành trị giá 603 tỷ đồng. Đến khi phía bà Kim Oanh chuẩn bị đủ số tiền 500 tỷ đồng thì phía Trần Quí Thanh nại ra các lý do vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên mất quyền mua lại, không cho chuộc lại tài sản. Giá trị bị chiếm đoạt là hơn 880 tỷ đồng.

Phương 2.jpg
Bị cáo Trần Uyên Phương

Theo đại diện VKS, quá trình điều tra và xét hỏi tại toà, có đủ cơ sở xác định bị cáo Thanh cho các bị hại vay tiền, không phải chuyển nhượng tài sản. Đồng thời, che giấu việc cho vay nặng lãi, phạm tội trong thời gian dài với số tiền lớn. Tuy nhiên, các bị cáo đã nhận thức hành vi sai phạm của mình, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, được tặng nhiều bằng khen giấy khen, có nhiều đóng góp cho xã hội...

Từ những lập luận trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh mức án 9-10 năm tù, Trần Uyên Phương 5-6 năm tù, Trần Ngọc Bích 4-5 năm tù, cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tin cùng chuyên mục