Chiều 28-12, TAND TPHCM tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, viết tắt IPC; kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn, viết tắt Sadeco) và Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) cùng 18 bị cáo khác trong vụ án xảy ra sai phạm tại công ty này, gây thất thoát gần 670 tỷ đồng.
Đề nghị đối chất tại tòa
Trong buổi chiều, HĐXX tập trung xét hỏi hai bị cáo Tề Trí Dũng và Tất Thành Cang liên quan đến nhiều nội dung trong vụ án.
Bị cáo Tất Thành Cang đề nghị đối chất tại tòa với bị cáo Tề Trí Dũng. Ảnh: VĂN MINH
Là người trả lời trước, bị cáo Tất Thành Cang đã trình bày gần 35 phút. Bị cáo không đồng ý với những nội dung mà cáo trạng truy tố, không đồng ý khi cáo trạng nêu bị cáo có vai trò chỉ đạo, quyết định trong vụ án này. Đồng thời bị cáo cũng khẳng định không chỉ đạo Tề Trí Dũng về nội dung liên quan đến phát hành cổ phần tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim. Cáo trạng nêu là căn cứ theo lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng. Do đó, bị cáo Tất Thành Cang đề nghị HĐXX cho đối chất tại tòa để làm rõ bản chất sự thật, khách quan của việc này.
Bị cáo Tất Thành Cang khai khi nhận được tờ trình đã tổ chức cuộc họp và Văn phòng Thành ủy TPHCM trình bày các tờ trình, trong đó có Tờ trình 1148. Trên cơ sở thảo luận tờ trình này, bị cáo có cho chủ trương đồng ý trên cơ sở tờ trình và đề xuất của Văn phòng Thành ủy TPHCM. Bị cáo cũng trả lời rằng liên quan đến nội dung này không có xin ý kiến Thường trực Thành ủy TPHCM.
Bị cáo Tất Thành Cang không đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố. Ảnh: VĂN MINH
HĐXX hỏi tiếp: Như vậy, bị cáo có bút phê vào Tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy không?
Bị cáo Tất Thành Cang trả lời: Tôi có bút phê chữ “đồng ý” trên Tờ trình 1148 vào ngày 16-5-2017 với đề xuất của Văn phòng Thành ủy TPHCM.
Bị cáo giải thích, chữ “đồng ý” ở đây là bởi vì Văn phòng Thành ủy có đề xuất là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương thì bị cáo chấp thuận chủ trương như đề xuất của Văn phòng.
Sadeco xin một đường, làm một nẻo
Ngoài ra, bị cáo Tất Thành Cang cũng trình bày thêm, theo các quy định yêu cầu đại diện vốn khi báo cáo xin ý kiến phải trung thực, chính xác, kịp thời. Nhưng do cơ sở báo cáo không trung thực, không có cơ sở pháp lý từ tờ trình, dẫn đến việc quyết định các nội dung tại đại hội cổ đông không đúng với nội dung đã được trình bày trong các cuộc họp trước đó mà bị cáo chủ trì.
Cụ thể, tại Tờ trình 1148 bị cáo Tất Thành Cang đồng ý theo phương án 2 của tờ trình 12A của Tổng giám đốc Sadeco. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông chỉ trình một phương án duy nhất mà không trình hai phương án để cho tất cả các cổ đông được lựa chọn, biểu quyết theo nhu cầu đầu tư của từng chủ sở hữu khác nhau.
HĐXX hỏi: Vậy hậu quả của việc gây thất thoát tài sản tại Sadeco được xác định cụ thể như nội dung cáo trạng thì bị cáo có ý kiến gì không?
Bị cáo Tất Thành Cang trả lời: Theo Quy chế 119, khi những nội dung thể hiện tại đại hội cổ đông hoặc HĐQT mà không đúng, không giống và không chính xác như nội dung đã được báo cáo xin ý kiến thì đại diện vốn không được biểu quyết mà phải dừng lại để xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy để có chỉ đạo. Nếu không xin ý kiến mà tự biểu quyết thì phải tự chịu trách nhiệm trên hành vi của mình. Đây chính là nội dung Quy chế 119 của Văn phòng Thành ủy đã cụ thể hóa từ Luật Quản lý kinh doanh vốn nhà nước.
Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo Tất Thành Cang tạm dừng và chuyển qua xét hỏi bị cáo Tề Trí Dũng để bị cáo này đối chất với lời khai của bị cáo Tất Thành Cang. Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo Tề Trí Dũng trả lời câu hỏi: Ngoài bút phê "Đồng ý" của bị cáo Tất Thành Cang tại Tờ trình số 1148 thì bị cáo có nhận chỉ đạo nào khác không?
Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời, trong một buổi gặp mặt tại nhà, bị cáo Cang có nói với bị cáo là tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia SADECO chứ không có chỉ đạo cụ thể phải bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim hay chỉ đạo về giá cổ phần.
Theo bị cáo Tề Trí Dũng, nếu không nhận được một lời nói hay chỉ đạo nào thì việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO cho Nguyễn Kim cũng không được xúc tiến. Trong thời gian làm Tổng Giám đốc IPC, bị cáo nhận được nhiều chỉ đạo của bị cáo Cang. Lời của bị cáo Cang không có tính chất pháp lý nhưng bị cáo nghĩ nghe chỉ đạo cấp trên là đạo đức của cấp dưới với cấp trên.
“Nếu chỉ đạo đó trái quy định pháp luật mà vẫn làm đó là sự ngu dại, chắc chắn là bị cáo không bao giờ làm nếu như bị cáo thấy rằng anh Cang có những chỉ đạo không đúng”, bị cáo Tề Trí Dũng nói.