Ông Tất Thành Cang cùng nhiều bị can có dấu hiệu vi phạm đến 7 vụ việc khác

Trong quá trình điều tra ông Tất Thành Cang cùng các đồng phạm, Công an TPHCM đã phát hiện 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã tách để điều tra xử lý.


Công an làm việc với ông Tất Thành Cang ngày 16-12-2020
Công an làm việc với ông Tất Thành Cang ngày 16-12-2020

Liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" như Báo SGGP đã thông tin, đến nay, Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6, TPHCM - nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) cùng 18 đồng phạm về tội danh trên.

Theo kết luận điều tra, ông Tất Thành Cang cùng các đồng phạm đã gây ra thiệt hại hơn 940 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, Công an TPHCM còn tiếp nhận hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ Thanh tra thành phố để tiến hành điều tra. Đồng thời, quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng phát hiện thêm vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ông Tất Thành Cang cùng nhiều bị can có dấu hiệu vi phạm đến 7 vụ việc khác ảnh 1 Ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận

Các vụ việc được Thanh tra thành phố chuyển theo kết luận Thanh tra số 33/KL-TTTP-P6 kết luận 1 số sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Cổ phần phát tiển Nam Sài Gòn (SADECO) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Cụ thể là việc thực hiện Dự án Khu dân cư Long Hậu – Long An (Công ty IPC hợp tác với Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Giao thông Hồng Lĩnh). Việc phát hành 40 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Xây dựng Tuấn Lộc để tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty TNHH Thẩm định giá MHD xác định giá trị cổ phần có dấu hiệu sai phạm.

Các vụ việc được Thanh tra thành phố chuyển theo kết luận Thanh tra số 14/KL-TTTP-P6 về việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hoá, thực hiện đầu tư dự án, góp vốn liên doanh tại Công ty IPC và các công ty góp vốn của IPC.

Cụ thể, hành vi có dấu hiệu “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” của Tề Trí Dũng và các cá nhân liên quan tại Công ty IPC trong việc chuyển nhượng nền đất tại Dự án Khu định cư An Phú Tây. Việc thực hiện cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp Sài Gòn – IPD thành Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn – ESL không tuân thủ quy định và các sai phạm sau cổ phần hoá tại Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn.

Việc thực hiện dự án Long Thới và chuyển nhượng đất nền không đúng quy định, không phù hợp với giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC, vốn nhà nước. Hành vi có dấu hiệu “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong việc chuyển nhượng Dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2.

Vụ việc Tề Trí Dũng có dấu hiệu “Tham ô tài sản” trong việc chiếm đoạt tiền thù lao và tiền thưởng người đại diện vốn không chuyên trách do Công ty TNHH Sepzone Linh Trung chi trả cho thành viên Hội đồng thành viên.

Cũng theo kết luận điều tra, do 7 vụ việc này đã hết thời hạn điều tra vụ án mà chưa có kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, kết quả cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời còn một số tình tiết cần tiếp tục điều tra làm rõ xác định có phạm tội hay không. Do đó, cơ quan điều tra quyết định tách 7 vụ việc trên để điều tra xử lý sau.

Tin cùng chuyên mục