"Ông Sáu Dân" có tư duy đổi mới

Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2023 đã trao cho bộ sách “Võ Văn Kiệt trí tuệ và sáng tạo”. Bộ sách giúp công chúng hiểu sâu sắc thêm chính phẩm chất vì dân mà ông Võ Văn Kiệt luôn được gọi trìu mến là “ông Sáu Dân”, là người có sự ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của TPHCM nói riêng và của Việt Nam nói chung. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “đầu tàu” kinh tế TPHCM, ĐTTC xin trích đăng một phần trong bộ sách nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1921 - 11-6-2008).

vo-van-kiet-5467.jpg

Con người hành động, tháo gỡ, xé rào

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung và TPHCM nói riêng, đang gặp nhiều thử thách và cực kỳ khó khăn sau chiến tranh, với cương vị là Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Võ Văn Kiệt đi tới các xí nghiệp, nhà máy để nắm thật chắc khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị, rồi cùng anh em tháo gỡ. Khi cần xé rào để cho sản xuất phát triển, ông ủng hộ, khuyến khích và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước cấp trên. Mỗi nhà máy, mỗi xí nghiệp có đặc thù riêng về bề dày lịch sử, về chuyên môn, về con người. Ông có lẽ là người lãnh đạo TPHCM hiểu hơn ai hết về nỗi quẫn bách, nỗi day dứt của từng vị giám đốc. Không phải họ bất tài, nhưng họ bất lực, bất lực vì bị trói tay, trói chân. Xé rào chính là tự cởi trói cho chính mình. Và mỗi nhà máy, mỗi xí nghiệp làm theo cách của mình, đầy sáng tạo. Chính từ đây hình thành Câu lạc bộ giám đốc, trao đổi kinh nghiệm vượt khó.

Con người hành động của Võ Văn Kiệt càng thể hiện rõ hơn qua dự án công trình thủy điện Trị An. Trước khi ra Hà Nội, để thuyết phục các nhà lãnh đạo hàng đầu trong Bộ Chính trị chấp nhận cho ông làm thủy điện Trị An, ông còn gặp Bí thư, Chủ tịch các tỉnh ở Nam bộ để khẳng định lại một lần nữa, đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Và một lần nữa, ông nhận được sự ủng hộ của tất cả. Qua họ, ông hiểu được lòng dân đang háo hức. Ai cũng trông, cũng mong được góp công, góp của cho công trình Trị An. Và đấy là nguồn động viên lớn nhất đối với Võ Văn Kiệt. Khi lòng dân đã quyết, ông tin việc khó mấy cũng thành.

Võ Văn Kiệt không tự phụ và không tự mãn. Ông lắng nghe mọi ý kiến đóng góp. Đặc biệt, ông gặp gỡ thường xuyên và trở nên gần gũi với giới trí thức. Chính vì vậy, ngay giữa ngột ngạt bao cấp, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo đã mạnh dạn trình bày 3 giải pháp phát triển với Bí thư Thành ủy TPHCM. Không thể đóng cửa, không thể không giao thiệp với bất kỳ nước nào, hoàn toàn tự túc mà đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Giải pháp thứ nhất ấy, cha ông ta đã làm và đã thất bại: Mất nước.

Giải pháp thứ hai là đóng cửa đối với các nước tư bản, không liên lạc ngoại thương, không xin viện trợ, và không giao thương với bất kỳ nước tư bản phương Tây nào, chỉ giao thiệp với các nước xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Giải pháp thứ ba là hệ thống mở ngỏ, giao thiệp mật thiết trên căn bản tự chủ và bình đẳng với các nước trên thế giới, không phân biệt ý thức hệ, không từ chối viện trợ, không từ chối giao thương, không từ chối để phát triển.

Lắng nghe rất thiện chí và suy nghĩ nghiêm túc, ông Võ Văn Kiệt nói với tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo: “Tôi chọn giải pháp thứ ba”.

Có thể nói, Võ Văn Kiệt là con người hành động, con người tháo gỡ, con người xé rào. Trong cuộc đời, ông thích vượt qua thử thách, vượt qua khó khăn, hơn là an vị với công việc bằng phẳng. Trong chiến tranh, biết bao lần ông phải xây dựng lại cơ sở từ tay trắng, từ trong mất mát và đổ vỡ, thì trong hòa bình phẩm chất ấy đã giúp ông đi tới cùng những gì mà ông cho là lẽ phải, là đúng đắn, là có lợi cho dân.

vo-van-kiet-zpgu-5563.jpg
Chiều 1-5-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định TPHCM xây dựng hầm ngầm qua Thủ Thiêm (tại vị trí đặt cây chỉ).
shutterstock-1668800971-2656.jpg

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên các cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách năng động, táo bạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định tình hình TP những năm đầu giải phóng. Ông được nhân dân yêu mến gọi là “Chủ tịch gạo”, vì đã giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của TP những năm 1980-1981; hay “Bí thư xé rào”, do đã vượt qua lối tư duy cũ, bám sát yêu cầu của thực tiễn, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh của TP, tạo điều kiện để sức sản xuất được “bung ra”, từng bước xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” ở ĐBSCL, cứu nguy cho nền kinh tế TP, tạo tiền đề vững chắc để đưa TPHCM sau này trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

TS. Lê Thị Thu Hồng - Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng

Luôn băn khoăn với TPHCM

Năm 1982, ông Võ Văn Kiệt được điều chuyển ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Khi ông vừa xuống sân bay, con rể gọi điện thông báo cháu gái vừa chào đời. Ông Võ Văn Kiệt xúc động: “Bây giờ ba đang ở Hà Nội, Hà Nội đang là mùa xuân. Ba đặt tên cho cháu ngoại của ba là Xuân Hà”. Ngay ngày đầu tiên ở Thủ đô, ông Võ Văn Kiệt đặt vấn đề với ông Lê Đức Thọ: “Trước khi bắt tay vô việc, tôi muốn thâm nhập xuống các cơ sở, các địa phương”. Và ông Lê Đức Thọ đồng tình: “Nên lắm. Cán bộ ta còn quan liêu lắm. Tỉnh sản xuất mía đường lại đi cung cấp đường. Tỉnh cần phân bón lại đi cung cấp ô tô. Nhiều cái trái khoáy, không chịu được”.

Trở thành lãnh đạo cấp cao, từ Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến Thủ tướng Chính phủ, điều ông Võ Văn Kiệt luôn băn khoăn cùng các chính khách đương thời là “TPHCM có tiềm lực lớn. Chỉ tiếc là chúng ta nhìn thấy hơi muộn mối quan hệ giữa trong nước và ngoài nước, không ở đâu hơn TPHCM. Mối quan hệ này, ngoài tình cảm, còn là năng lực cạnh tranh, tiềm lực kinh tế, tìm nguồn hàng cho công nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt, cải thiện đời sống của dân chúng”.

dji-0876-6808.jpg
Đại học Quốc gia TP HCM ra đời cũng dựa trên đề xuất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được thành lập vào tháng 1-1995, nằm ở giáp ranh TP Thủ Đức và TP Dĩ An. Đô thị đại học này rộng hơn 643ha, có 7 trường đại học, 2 khoa trực thuộc và viện nghiên cứu

Hiện nay, hiện tượng lãn công đang khá phổ biến trong giới công chức. Cán bộ sợ sai, cán bộ né tránh trách nhiệm, cũng là vấn đề mà ông Võ Văn Kiệt cực kỳ quan tâm ngay thời điểm cách đây vài chục năm. Ông Võ Văn Kiệt bày tỏ: “Người nào cũng thủ thế, ít ai mạnh dạn dám làm khác đi một cái gì. Ngày nay không xong ngày mai tiếp tục. Năm nay không xong sang năm làm tiếp. Không ai vội vã, không ai sốt ruột. Nói cách mạng rất hay, rất bài bản, nhưng đụng vào việc ai cũng ngại va chạm. Từ lâu nay chúng ta đã tạo ra một không khí như thế này, một thói quen như thế này”. Và ông Võ Văn Kiệt đã mạnh dạn yêu cầu sửa đổi để phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Đặt quyền lợi của người dân, của đất nước lên hàng đầu. Ông Võ Văn Kiệt không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm để thúc đẩy sự no ấm thịnh vượng. Ông Võ Văn Kiệt đã nhận được sự chia sẻ của những nhà lãnh đạo uy tín nhất quốc gia. Thí dụ, ông Phạm Văn Đồng (1906-2000) từng giữ chức Thủ tướng Chính phủ từ năm 1955 đến năm 1987, đã dành những lời ân cần cho ông Võ Văn Kiệt: “Tôi biết có người hôm qua còn giương cao ngọn cờ đổi mới, hôm nay lại lấy cơ chế cũ áp đặt cơ chế mới. Cho nên, tôi nói đổi mới cũng là một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng nào cũng có quá trình riêng của nó. Trong quá trình thay cũ đổi mới, tư duy mỗi người một khác. Có người nhận thức sớm, có người nhận thức chậm. Nhưng càng phức tạp, càng gay go cách mạng mới càng tỏa sáng”.

“Lịch sử loài người là lịch sử tiến hóa, đi từ thấp đến cao, nhưng không phải không có thời nó giậm chân tại chỗ, thậm chí đi thụt lùi. Nhưng rồi sau đó, nó lại bứt phá lên. Tôi hy vọng Việt Nam chúng ta hôm nay sẽ có những cuộc bứt phá ngoạn mục. Có như vậy, đất nước mới phát triển được, mới đuổi kịp được với thiên hạ, ít nhất là những nước xung quanh mình. Không thì nhục lắm. Không thì mang tội với dân. Lịch sử vốn công bằng, sẽ không tha tôi và cũng không chừa anh đâu, anh Sáu Dân à” - ông Phạm Văn Đồng chia sẻ thêm.

Bộ sách “Võ Văn Kiệt trí tuệ và sáng tạo” của nhà văn Hoàng Lại Giang với 3 tập, tổng cộng 1.000 trang, phác họa con đường cách mạng từ cậu bé Phan Văn Hòa đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giúp công chúng hiểu sâu sắc thêm chính phẩm chất vì dân mà ông Võ Văn Kiệt luôn được gọi trìu mến là “ông Sáu Dân”, là nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới, khao khát đưa đất nước ra khỏi nghèo đói và lạc hậu.

Tin cùng chuyên mục