Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã khai trương nhà sách thứ 100 trong hệ thống nhà sách, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực phát triển ngành phát hành sách. Nhân sự kiện này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa, về hướng phát triển và ảnh hưởng của ngành phát hành sách trong nước với văn hóa đọc hiện nay.
Các hoạt động liên quan đến sách ngày càng đa dạng
* PHÓNG VIÊN: Là nhà phát hành sách lớn nhất nước (chiếm hơn nửa tổng số doanh thu toàn ngành phát hành), theo ông, so với khu vực và trên thế giới, ngành phát hành sách Việt Nam hiện nằm ở vị trí nào?
- Ông PHẠM MINH THUẬN: Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng do đặc thù ngành phát hành ở nước ta khác biệt các nước nên sự phát triển của chúng ta có phần thiếu cân đối.
Lấy ví dụ như Thái Lan và Indonesia, hai quốc gia có nền xuất bản được đánh giá là phát triển hơn ta nhưng lại không có nhà phát hành nào nổi trội.
Điều này do cơ cấu phát hành của họ rất khác với Việt Nam, các NXB của họ làm sách sau đó chuyển qua cho phân phối, phân phối chuyển đến cho khâu bán lẻ và khâu này đưa sách đến tay bạn đọc qua các nhà sách. Trong khi đó, ở Việt Nam, vai trò của nhà phân phối có khi do các nhà bán lẻ đảm nhận nhưng cũng có khi do chính các NXB trực tiếp thực hiện.
Tổ chức phát hành theo dạng trung tâm bán sỉ như ở các nước có nhiều ưu điểm, hiệu quả hơn nhưng trước mắt phương thức này lại không phù hợp với cơ sở hạ tầng của chúng ta.
Đây là một hệ lụy lịch sử do trong giai đoạn cổ phần hóa các doanh nghiệp phát hành sách, nhiều nơi đã bị tư nhân mua lại, chuyển qua kinh doanh những sản phẩm khác có lợi nhuận cao hơn sách nên đã dẫn đến khoảng trống phát hành, phân phối.
Điều này đã khiến có một thời kỳ ngành phát hành sách của chúng ta gặp nhiều khó khăn, hụt hẫng về hạ tầng. Chính vì vậy, hiện nay phát hành ở trong nước đang có sự phân hóa mạnh, chúng ta có các nhà phát hành chuyên nghiệp, hiện đại sánh với các nhà phát hành lớn tầm cỡ châu lục nhưng đồng thời cũng tồn tại những địa phương mà nhà phát hành lại lạc hậu, đầy khó khăn.
* Như ông nói, ngành phát hành sách trong nước rất khó cạnh tranh lại các đại gia thế giới?
- Thực ra có một giai đoạn chúng ta rất sợ hãi khi nghe thông tin những đại gia phát hành thế giới có thể vào Việt Nam như Amazon chẳng hạn. Họ hơn ta mọi mặt, từ chuyên môn đến kinh nghiệm, đặc biệt là vốn của họ rất lớn.
Đó là lợi thế vì hiện nay ai vốn lớn người đó dễ dàng thắng. Tuy nhiên, hiện nay, sự lo sợ đó đã giảm đi nhiều khi chúng ta đã có những nhà phát hành đủ lớn mạnh, đủ kinh nghiệm và cũng tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.
Thế nhưng không thể ngủ quên trên chiến thắng, liên tục thay đổi theo hướng phát triển là phương thức để tồn tại. Như ở Fahasa, một trong những biện pháp đầu tiên đã hoàn thành là số hóa toàn bộ hệ thống.
Hiện bất cứ một cuốn sách, một sản phẩm nào được bán ra, ngay lập tức tại trung tâm có thể xác định đầy đủ các thông tin, thậm chí cả hình ảnh camera… điều này giảm bớt rất nhiều áp lực cho các bộ phận kế toán, giám sát. Bên cạnh đó, hướng phát triển thương mại điện tử cũng được tập trung đầu tư.
* Theo ông, liệu thương mại điện tử có trở thành mối “đe dọa” cho phát hành truyền thống?
- Người ta có thói quen lo sợ trước cái mới và cho rằng cái mới sẽ giết cái cũ. Như hồi sách điện tử (ebook) bùng phát, vượt qua cả doanh thu sách giấy ở Mỹ, ai cũng bảo thời sách giấy đã hết, sách giấy đã là lịch sử…
Thế nhưng, sau đó ebook chững lại, sách giấy lại vươn lên. Bây giờ thì người ta đã kết luận rằng ebook và sách giấy cùng tồn tại, bổ sung cho nhau.
Theo tôi, thương mại điện tử ở phát hành sách tại Việt Nam cũng thế, đó là một sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau cho phát hành sách kiểu truyền thống. Có người thích tiện lợi hay điều kiện không cho phép đến nhà sách, có người lại xem việc đến nhà sách như một hoạt động văn hóa thú vị và lựa chọn từng cuốn sách là một sự thư giãn…
Fahasa là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình “Xe sách lưu động” đưa sách đến với các vùng sâu, vùng xa nơi bạn đọc ít có điều kiện tiếp xúc với sách. Hoạt động này được ghi nhận đóng góp lớn cho việc phát triển văn hóa đọc trong suốt hơn 10 năm thực hiện. Hiện nay, do việc dùng xe sách trở nên lạc hậu, bị hạn chế về số sách cũng như khó khăn trong việc tổ chức, đơn vị đã chuyển sang mô hình “Hội sách cơ động” tổ chức các hội sách ở khuôn viên trường học, nhà máy, bệnh viện… Trung bình mỗi năm Fahasa tổ chức hơn 200 hội sách như vậy.