Trong buổi sáng, HĐXX cho công bố lời khai của những người làm chứng và kết luận giám định của cơ quan chức năng để xác định hành vi vi phạm pháp luật, thành lập các công ty của bị cáo Đinh Ngọc Hệ.
Các lời khai xác định, bị cáo Hệ nắm mọi hoạt động, chỉ đạo các công ty, mượn người góp vốn, đứng tên để thành lập công ty (Công ty Yên Khánh, Công ty cổ phần Thương mại nước giải khát Khánh An, Công ty Thái Sơn). Nhưng thực tế, những nhân chứng khai họ không được góp vốn hay thực quyền tại các công ty, các công ty phần lớn không tổ chức các cuộc họp điều hành.
HĐXX sau đó đề nghị người làm chứng là ông Trần Văn Hưng, Kế toán trưởng Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ) nói rõ mối quan hệ của mình với các bị cáo tại tòa. Ông Hưng nói mình là quân nhân cấp dưới của các bị cáo, từng tiếp xúc với Phạm Văn Diệt (cựu Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình; cựu Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh) để đối chiếu công nợ trong hợp đồng các dự án.
Còn các hợp đồng giữa Công ty Hải Thành và các đối tác, ông Hưng nói không được tham gia, sau này làm Kế toán trưởng mới được theo dõi các công nợ.
Còn mối quan hệ với Đinh Ngọc Hệ, ông Hưng nói sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết người mà trước đây vẫn gọi là Út tên là Đinh Ngọc Hệ. Và đến phiên tòa này ông Hưng mới biết tới bị cáo Vũ Thị Hoan.
Tiếp sau đó, chủ tọa đề nghị các bị cáo lên bục khai báo để trình bày về nhân thân, quá trình công tác để làm rõ và bổ sung vào hồ sơ. Trong đó, các bị cáo đều nói mình có nhiều bệnh tật. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho hay, quá trình công tác ông được nhiều lần khen thưởng, trong đó có Huân chương Độc lập hạng 2, Huân chương Hồ Chí Minh, tặng 23 huân huy chương chiến công các loại. Gia đình ông có anh trai là liệt sỹ hy sinh tại Quảng Trị năm 1972. Hiện tại, sức khỏe ông yếu từ khi nghỉ hưu và mang nhiều bệnh như huyết áp, tiểu đường, thoái hóa xương, gút...
HĐXX tiếp tục làm rõ các biện pháp tư pháp khác, trong đó yêu cầu các công ty là đối tác của Công ty Hải Thành giải trình, làm rõ quá trình thực hiện hợp đồng, bản chất các hợp đồng là “liên doanh” hay hợp đồng “cho thuê đất” tại 3 khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 tại quận 1, TPHCM.
Tòa cũng mời đại diện của Công ty Hải Thành lên khai báo về bản chất các loại hợp đồng mà công ty ký với các đối tác, khiến Nhà nước, QCHQ bị mất quyền khai thác, sử dụng đất tại 3 khu đất trên trong thời gian 49 năm.
Vị đại diện này lúc đầu quanh co không nói được bản chất của các hợp đồng là “liên doanh” hay “cho thuê đất”. Chủ tọa truy tới cùng về bản chất và đề nghị vị đại diện phải nêu được quan điểm bản chất hợp đồng thì được xác nhận là hợp đồng “cho thuê đất”. Trong các khu đất trên, Công ty Hải Thành đều được hưởng một khoản thu nhập ổn định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty đối tác.
Tổng số tiền phải thu của 3 khu đất trên trong thời hạn 49 năm mà Công ty Hải Thành phải nộp về cho QCHQ là hơn 939 tỷ đồng, trong khi tới hiện tại mới nộp được 775 tỷ đồng, số tiền còn lại vị đại diện đề nghị HĐXX cho các bị cáo trình bày.
Sau phần này, HĐXX tiếp tục đề nghị các đối tác của Công ty Hải Thành giải trình làm rõ quá trình thực hiện dự án, hiện trạng dự án và đề nghị hướng giải pháp tháo gỡ thời gian tới. Đa số các doanh nghiệp là đối tác của Công ty Hải Thành đều đề nghị tòa tuyên có lợi cho doanh nghiệp mình, bởi phần lớn các khu đất trên đang có tài sản trên đất và đang được khai thác đúng pháp luật.