Sau khi căn cứ tư liệu có trong hồ sơ, lời khai của các bị cáo tại tòa, đại diện VKS đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt các bị cáo.
Cụ thể, đối với các bị cáo ở nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đề nghị phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 20 năm tù giam, tổng hình phạt ở bản án số 06 năm 2018 (12 năm tù) là 30 năm tù; đề nghị phạt bị cáo Vũ Thị Hoan từ 7-9 năm tù giam; phạt bị cáo Phạm Văn Diệt 15 năm tù.
Đối với nhóm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, VKS đề nghị phạt bị cáo Bùi Văn Nga từ 6-8 năm tù giam; Bùi Như Thiềm từ 7-9 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo từ 5-7 năm tù; Trần Trọng Tuấn từ 3-4 năm tù. Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị đề nghị phạt từ 3-4 năm tù giam.
VKS cũng đề nghị với số tiền hơn 59 tỷ đồng thu từ dự án do các công ty đối tác chuyển về cho Công ty Hải Thành cần tịch thu đưa vào ngân sách nhà nước. Với 3 khu đất (số 2, số 7-9, số 9-11) hiện đang thuộc ba doanh nghiệp cần trả lại cho Quân chủng Hải quân quyền sử dụng đất. Số tiền hơn 939 tỷ đồng, đây là tiền sử dụng 3 khu đất, VKS nhận định là số tiền liên quan trực tiếp tới tội phạm, cần tịch thu xung vào ngân sách nhà nước.
Trong phần trình bày quan điểm, VKS cho rằng bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại thời điểm phạm tội giữ vai trò là Tư lệnh Quân chủng Hải quân (QCHQ), chịu trách nhiệm chính về chỉ huy quản lý xây dựng QCHQ vững mạnh; với cương vị của mình bị cáo phải làm nhiều chức trách nhiệm vụ quan trọng, trong đó chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật. Chủ trương làm kinh tế là đúng và được Bộ Quốc phòng đồng ý nhưng trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Nhưng khi thực hiện chủ trương, ông Hiến đã thiếu kiểm tra, đã tin tưởng vào cấp dưới, phê duyệt các văn bản đưa 3 khu đất vào liên doanh kinh tế không đúng quy định.
VKS cho rằng, khi Công ty Yên Khánh (công ty do Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo) gửi Tờ trình số 10 (đưa các thông tin gian dối về năng lực), đáng lẽ bị cáo Hiến phải chỉ đạo kiểm tra năng lực, nhưng các bị cáo Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn đã không tham mưu đề xuất, bên cạnh đó ông Hiến cũng không chỉ đạo kiểm tra nên không phát hiện gian dối; từ đó ông ký phê duyệt các văn bản cho liên doanh tại 3 khu đất trên. Hậu quả khiến QCHQ mất quyền sử dụng đất tại 3 khu đất, gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng.
VKS khẳng định, hồ sơ tài liệu đủ cơ sở xem xét, bị cáo Hiến thực hiện phạm tội với hành vi vô ý vì quá tự tin. Việc gây thiệt hại tiền số tiền lớn, điều này phải được xử lý nghiêm minh. Nhưng VKS cho rằng, quá trình giải quyết vụ án phát hiện ông Hiến không có hành vi vụ lợi.
Út “trọc” che giấu thân phận để chiếm đoạt tài sản
Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), VKS cho hay, trong quá trình điều tra, truy tố, tại tòa, bị cáo có thái độ chối tội, trong đó có khai bị cáo Hoan khai không đúng, người làm chứng hợp tác tốt với cơ quan điều tra, kết quả điều tra được kiểm chứng tại tòa, xác định Hệ khi còn công tác ở Bộ Quốc phòng thành lập các công ty, thực chất là công ty tư nhân, việc đọc tên các công ty trên khiến nhiều người lầm tưởng là của Bộ Quốc phòng; bên cạnh đó, nhiều công ty khác do anh ruột, cháu ruột của Hệ đứng ra thành lập, nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành của Hệ. Trong quá trình hoạt động, Hệ chỉ đạo công ty thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, việc này đã được cơ quan điều tra làm rõ.
Với thủ đoạn tinh vi, nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất 7-9 tại quận 1, TPHCM, Hệ chỉ đạo Hoan thực hiện các hành vi gian dối, chuyển đổi mục đích sử dụng từ Công ty Yên Khánh sang Công ty Yên Khánh Hải Thành và mang đi thế chấp ngân hàng, đảm bảo cho công ty khác có thể vay tiền phục vụ mục đích riêng của Hệ. Công ty Yên Khánh Hải Thành thực tế hoạt động theo sự điều hành của Hệ thông qua lãnh đạo của Công ty Yên Khánh.
Để làm rõ hành vi này, VKS cho rằng cần đi từ việc Hệ thành lập công ty (Công ty Yên Khánh), công ty này nhờ Hoan (tại thời điểm đó 21 tuổi, sinh viên năm thứ nhất) không biết gì, và Đỗ Văn Trưởng (trông giữ xe ở Ninh Bình vào TPHCM lập nghiệp), sau này ông Trưởng làm việc với cơ quan điều tra mới biết không hiểu vì sao mình có 30% góp vốn trong Công ty Yên Khánh. Thành viên góp vốn chỉ tồn tại trên danh nghĩa, tất cả do Hệ dựng lên để làm kinh tế, bất chấp sai phạm của mình.
Vũ Thị Hoan từng khai (cháu ruột Út “trọc”), Công ty Yên Khánh là của Hệ, Hệ nhờ đứng tên, bản thân Hoan không tham gia góp vốn, việc có tên trong cổ đông góp vốn là do Hệ nhờ. VKS khẳng định, khu đất số 7-9 là đất quốc phòng, năm 2006 với ý đồ thâu tóm, sau khi thành lập Công ty Yên Khánh, Hệ chỉ đạo Hoan ký Tờ trình số 10, với nội dung đưa ra các thông tin gian dối về năng lực, làm Quân chủng Hải quân (QCHQ) tin tưởng để ký kết hợp đồng.
Do tin tưởng vào Tờ trình số 10 đồng thời thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, nên một số cán bộ QCHQ và Công ty Hải Thành đồng ý đàm phán mà không biết được Hệ đang lừa đảo, không lường trước được hậu quả như ngày hôm nay. Tại tòa, Hệ không thừa nhận hành vi, nhưng VKS cho rằng, các tài liệu chứng cứ thể hiện rõ Hệ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bên cạnh đó, VKS cho rằng, Vũ Thị Hoan ký các hồ sơ, nhưng thực tế Hệ điều hành mọi việc thông qua Phạm Văn Diệt (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh). VKS cho rằng, những lời khai của các bị cáo tại tòa và trong hồ sơ đã thể hiện rất rõ vai trò tổ chức của Đinh Ngọc Hệ. Theo đó, Hệ sẵn sàng che giấu thân phận, che giấu hành vi, trốn tránh pháp luật, nhưng qua lời khai các bị cáo, chứng cứ đã đủ cơ sở để kết luận về trách nhiệm hình sự của bị cáo, với vai trò là người tổ chức. Hành vi này của Hệ không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản nhà nước, mà còn gây lũng đoạn kinh tế, ảnh hưởng tới những cán bộ trong quân đội, gồm cả cán bộ cao cấp, đưa người nhà vào vòng lao lý.