Chiều 26-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/QĐ-CSĐT, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 05/QĐ-CSĐT đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại khoản 4, điều 358, Bộ luật hình sự.
Quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Đây là diễn biến trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thụ lý, đã khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Kết quả điều tra cho thấy: Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định được số tiền trục lợi hàng trăm ngàn USD. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án; đồng thời mở rộng điều tra vụ án, đảm bảo xử lý toàn diện, triệt để đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điều 170, Bộ luật Hình sự.
Công an tỉnh Thái Bình cho rằng, việc khởi tố ông Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tại họp kỳ thứ 34 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Lưu Bình Nhưỡng vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; vi phạm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước.
Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lưu Bình Nhưỡng.
Liên quan việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lại Hợp Mạnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã trao đổi thêm đến các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII.
Theo ông Mạnh, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ theo kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỷ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy. Để gây sức ép với doanh nghiệp, Cường cùng đồng bọn tự ý cắm cọc lập vây, lập chòi tại các bãi triều có diện tích khoảng 180ha hòng xác lập quyền sở hữu trái phép để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được với giá 1.500 đồng/m³. Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.
Lợi dụng việc ông Lưu Bình Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.
Theo ông Lại Hợp Mạnh, hành vi phạm tội của ông Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản.