Ông Lê Thanh Tùng tham gia Hội đồng quản trị VietinBank nhiệm kỳ 2019-2024
SGGPO
Sáng nay, 3-11, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021. Với sự nhất trí cao, đại hội bầu bổ sung ông Lê Thanh Tùng vào Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank nhiệm kỳ 2019-2024.
Ông Lê Thanh Tùng sinh năm 1978 là cử nhân Kế toán, Đại học Kinh tế Quốc dân, là thạc sĩ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng Đại học Paris Dauphine (CFVG).
Ông Tùng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từng làm việc tại VietinBank từ năm 2003 đến năm 2014 và đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro của VietinBank, Chủ tịch HĐTV của Công ty Cho thuê tài chính VietinBank trước khi chuyển công tác sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tại NHNN, ông Lê Thanh Tùng từng đảm nhiệm các vị trí như Chánh văn phòng, Vụ trưởng, trợ lý Thống đốc NHNN trước khi chuyển công tác tới Ban Kinh tế Trung ương.
Đoàn Chủ tịch đại hội
Cùng với đó, đại hội đã thông qua các nội dung quan trọng về việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng của VietinBank trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bầu bổ sung thành viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024, sửa đổi Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT VietinBank.
Cụ thể, ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 đã thông qua việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng của VietinBank (bao gồm trái phiếu phát hành ra công chúng trong năm 2021 và các năm tiếp theo của VietinBank) trên hệ thống giao dịch chứng khoán/sở giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc các đợt chào bán, bảo đảm tuân thủ và phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán và các quy định của pháp luật liên quan.
Ông Lê Thanh Tùng, tân Thành viên HĐQT VietinBank
Tính đến ngày 31-10, các chỉ số quy mô và hiệu quả của ngân hàng đều có sự tăng trưởng tích cực. Tổng tài sản tăng 8,1%; tổng nguồn vốn tăng gần 8%, trong đó nguồn vốn thị trường 1 tăng 10%; tín dụng tăng 8%; ROA đạt 1,3%; ROE đạt 16,1%. Các chỉ tiêu tuân thủ đạt tốt, LDR đạt 82,86%, CAR đạt hơn 9%, NIM đạt khoảng 3%.
Đặc biệt, với vai trò là ngân hàng thương mại lớn, chủ lực, trụ cột, VietinBank tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng từ việc giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động và phục hồi, phát triển qua giai đoạn đại dịch Covid-19. Lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng số tiền giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng khoảng 6.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, con số này khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguy cơ tăng nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro, VietinBank đang tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng nợ, xây dựng những kịch bản sẵn sàng để ứng phó với các khó khăn trong năm 2022. VietinBank đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn mức quy định để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Dự kiến cuối năm 2021, VietinBank phấn đấu tỷ lệ nợ xấu là 1,4%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 169%, chi phí dự phòng rủi ro dự kiến 17.000 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Bình Chủ tịch HĐQT VietinBank
Theo ông Trần Minh Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang bước sang giai đoạn phục hồi với không ít khó khăn thách thức, với tinh thần cầu thị, đánh giá đúng tình hình, VietinBank đã có kế hoạch và các giải pháp trọng tâm nhằm chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, nỗ lực hết mình, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống VietinBank mạnh mẽ, bền vững.