Như trút được gánh nặng ngàn cân nhờ chiếc HCV đầu tiên đến từ môn karatedo, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 16 Lê Quý Phượng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Việt Nam là do thiếu may mắn.
* Phóng viên: Ông có cảm giác như thế nào sau chiếc HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam tại Asiad 16?
* Ông LÊ QUÝ PHƯỢNG: Chiếc HCV karate của Lê Bích Phương thực sự là một niềm vui rất lớn với cá nhân tôi. Chúng ta đã quá không gặp may ở Asiad năm nay. Tuy vậy, tôi vẫn tin tưởng thể thao Việt Nam trước sau cũng sẽ có HCV, bởi chúng ta đã chuẩn bị kỹ càng và hết sức cố gắng. Hàng ngày, khi họp đoàn, tôi luôn nhắc mọi người rằng chúng ta luôn phải cố gắng hết mình, vì Asiad là một sân chơi vô cùng khắc nghiệt.
* Ông muốn nói gì với người hâm mộ thể thao Việt Nam sau chiếc HCV đầu tiên?
* Tôi xin gửi lời cảm ơn đến người hâm mộ vì đã kiên trì ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua. Tôi biết người hâm mộ đã rất buồn và thất vọng song tất cả đều thấu hiểu và đồng cảm với chúng tôi, bởi Asiad là sân chơi rất lớn. Chúng ta đã quá thiếu may mắn tới mức giành đến 14, 15 HCB mới có được chiếc HCV đầu tiên.
* Ông nghĩ sao về chỉ tiêu giành từ 4 đến 6 HCV mà đoàn thể thao Việt Nam đã đặt ra trước lúc lên đường?
* Tôi nghĩ có thể đoàn thể thao Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu HCV nhưng chiếc HCV đầu tiên này cũng giúp chúng tôi giải tỏa được sức ép. Một lần nữa, tôi xin được gửi tới người hâm mộ lời cảm ơn và rất mong nhận được sự thông cảm của mọi người.
* Rất mong HCV nhưng ông lại không chứng kiến trực tiếp giờ phút Lê Bích Phương đăng quang ở nội dung kumite 55kg. Vì sao vậy, thưa ông?
* Tôi chỉ xem Lê Bích Phương thi đấu cho đến hết trận bán kết rồi giao lại nhiệm vụ cho 2 phó đoàn ở lại theo dõi trận chung kết, vì tôi phải di chuyển tới sân thi đấu điền kinh. Thực lòng mà nói, điền kinh mới là môn khiến tôi quan tâm hơn cả, vì đây là môn thể thao được mệnh danh là nữ hoàng của hệ thống Olympic.
Với 3 HCB và 1 HCĐ của Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương, điền kinh đã làm nên cột mốc lịch sử cho thể thao Việt Nam ở Asiad năm nay. Điều đó cho thấy thể hình hạn chế không phải là rào cản ngăn chúng ta đến với những môn thể thao Olympic, mà cơ bản là chúng ta có tuyển chọn và đào tạo được VĐV thật tốt hay không mà thôi. Tôi nghĩ chúng ta phải tìm mọi cách phát huy tốt nhất lợi thế của mình để đưa thể thao Việt Nam sánh ngang với bạn bè khu vực và châu lục.
* Mọi chuyện sẽ ra sao nếu tại kỳ Asiad này, chúng ta không có chiếc HCV mà chỉ toàn HCB và HCĐ?
* Đúng là chúng ta đã không đạt được chỉ tiêu HCV đề ra nhưng năm nay chúng ta có nhiều môn mới giành được những thành tích tiếp cận với trình độ châu lục. Bên cạnh đó, nhận thức của chúng ta đã được thay đổi, nên các VĐV không còn mặc cảm khi bước ra tranh tài ở đấu trường lớn. Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, với tôi mọi thứ luôn phải có cơ sở và tôi luôn bình tĩnh khi xử lý tình huống.
Các HLV ở môn karatedo, cầu mây, bắn súng đều không dưới một lần xác nhận việc chúng ta tuột HCV ở các môn này một phần do sự thiếu tự tin trong thi đấu, vẫn còn trạng thái tâm lý và không làm chủ được tình huống dù đang có trong tay lợi thế so với đối thủ. Ở môn cờ vua, sau khi đoạt HCB ở nội dung cờ nhanh cá nhân nhưng sang thi đấu đồng đội, kỳ thủ Lê Quang Liêm thua gần hết các trận đấu dù anh là trụ cột và kết quả là đội cờ vua nam không vào được bán kết. Sự sai sót trong thi đấu có một phần trách nhiệm của quá trình chỉ đạo. Và người ta bắt buộc phải xem xét lại câu hỏi: Tại sao ông trưởng đoàn của thể thao Việt Nam tại Asiad lần này lại là một vị chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý thể thao thành tích cao? |
THƯ ANH (thực hiện)