Kế hoạch 7 điểm
Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 1-12 đã công bố kế hoạch 7 điểm nhằm cung cấp một giải pháp ứng phó khẩn cấp và chuyên nghiệp đối với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế đang gia tăng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo kế hoạch này, người dân Mỹ được đảm bảo tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đáng tin cậy và thường xuyên; giải quyết dứt điểm các vấn đề về thiết bị bảo hộ cá nhân; đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, thông suốt và dựa trên chứng cứ nhằm giúp các cộng đồng ứng phó với dịch bệnh; lên kế hoạch phân phối hiệu quả và công bằng vaccine và các biện pháp điều trị; bảo vệ người cao tuổi và những nhóm người rủi ro cao; xây dựng lại và mở rộng hệ thống phòng thủ nhằm dự đoán, phòng tránh và giảm nhẹ các mối đe dọa đại dịch và thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang bằng cách phối hợp với các thống đốc và thị trưởng.
Kế hoạch ứng phó với Covid-19 của chính quyền ông Biden nhấn mạnh tới các yếu tố khoa học, bảo đảm các quyết định về y tế công cộng được công bố bởi các chuyên gia y tế công cộng, thúc đẩy lòng tin, minh bạch, mục đích chung và trách nhiệm trong chính phủ. Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng, chính phủ liên bang cần hành động nhanh chóng, quyết liệt nhằm giúp bảo vệ và hỗ trợ các gia đình, doanh nghiệp nhỏ, đội ngũ y tế.
Cần thông qua gói kích thích mới
Cũng trong ngày 1-12 (giờ địa phương), phát biểu trong một sự kiện công bố các thành viên chủ chốt của nhóm kinh tế tại Delaware, Tổng thống đắc cử Joe Biden kêu gọi quốc hội nhanh chóng thông qua kế hoạch cứu trợ quy mô lớn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19.
Đội ngũ của ông Biden đang soạn thảo một kế hoạch mới hướng tới việc vực dậy nền kinh tế và kiến tạo hơn 18 triệu việc làm thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và sản xuất.
Theo ông Biden, những điều khoản trong dự luật cứu trợ về Covid-19 mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra là không đủ và cần một kế hoạch rộng lớn hơn. Ông Biden nhấn mạnh, phải hợp tác và hành động ngay lúc này và cam kết sẽ xây dựng một nền kinh tế Mỹ mới cho tất cả người dân Mỹ.
Đồng tình với quan điểm trên, trong phiên điều trần ngày 1-12, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo: “Triển vọng của nền kinh tế rất thiếu ổn định và phần lớn phụ thuộc vào sự thành công trong nỗ lực ngăn chặn virus (SARS-CoV-2)”.
Với chỉ 50% trong số hơn 20 triệu việc làm đã mất do dịch bệnh được khôi phục, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thừa nhận, “nhiệm vụ của chúng ta chưa hoàn thành cho tới khi có thể đưa mọi người dân Mỹ trở lại làm việc”, đồng thời kêu gọi Quốc hội sớm thông qua gói kích thích mới để vực dậy nền kinh tế.
Liên quan đến chính sách kinh tế, theo tờ Financial Times (FT), ông Biden đang xem xét bổ nhiệm một “nhân vật quan trọng phụ trách châu Á” trong Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng. Động thái này báo hiệu tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á trong bối cảnh cán cân quyền lực toàn cầu đang nghiêng theo hướng có lợi cho châu Á (khu vực đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trở lại, trong đó Trung Quốc). Đối thủ của Mỹ tại châu Á được dự báo có nền kinh tế sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào nửa cuối năm 2020.
Ngày 1-12 (giờ địa phương), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr khẳng định không có bằng chứng về gian lận “mang tính quyết định” trong cuộc bầu cử tổng thống tháng trước để có thể đảo ngược chiến thắng của ông Joe Biden trước đương kim Tổng thống Donald Trump. Theo truyền thông Mỹ, ông Biden hiện nhận được 306 phiếu đại cử tri, vượt qua con số 270 cần thiết để đắc cử tổng thống Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump giành được 232 phiếu. Tính về số phiếu phổ thông, ông Biden cũng nhiều hơn Tổng thống Donald Trump khoảng 6 triệu phiếu. |