Ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính
HĐXX nhận định, hành vi làm trái quy định của bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác đã tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ tham gia đấu giá, trúng đấu giá dù không đủ điều kiện; sau đó dùng thủ đoạn gian dối để che giấu doanh thu thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương từ 2014-2018 để chiếm đoạt tài sản của nhà nước, gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng, là số tiền do Hệ đã lừa đảo, chiếm đoạt được.
Cụ thể, theo HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò người đứng đầu, được giao nhiệm vụ quản lý tài sản nhà nước tại Bộ GTVT, trong đó có tài sản là quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Bị cáo nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, quy định bán đấu giá quyền thu phí, được xác định là tài sản đặc thù có giá trị lớn, đơn vị trúng thầu phải có năng lực tài chính và các điều kiện khác…
Theo HĐXX, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan được giao quản lý tài sản nhà nước, bị cáo có nghĩa vụ tổ chức sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi theo thẩm quyền đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích.
Nhưng sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý cho Bộ GTVT thực hiện chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM –Trung Lương, xuất phát từ quan hệ quen biết từ trước với Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Đinh La Thăng đã giới thiệu cho Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Công ty Cửu Long – là đơn vị cấp dưới mà chính ông Thăng đã đề xuất với Thủ tướng là sẽ trực tiếp tiếp nhận, chuyển giao quyền thu phí TPHCM – Trung Lương.
HĐXX nhận định, bị cáo Đinh La Thăng đã tác động, tạo điều kiện để Hệ được tham gia đấu giá quyền thu phí. Quá trình thực hiện đấu giá, bị cáo được cấp dưới báo cáo đầy đủ.
Ông Thăng đã ký các quyết định thành lập hội đồng bán đấu giá, thành lập tổ giúp việc cho hội đồng bán đấu giá. Khi biết được Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ kéo dài thời gian thanh toán không đúng theo hợp đồng, bị cáo đã không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà có hành vi chủ trương cho Hệ trúng thầu một dự án giao thông khác để được khấu trừ vào việc chậm thanh toán số tiền theo hợp đồng mua bán quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương (chậm 3 năm 6 tháng so với hợp đồng).
“Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng làm trái quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, thông tư 05, Nghị định 10/2013; quy chế bán đấu giá quyền thu phí…. Từ đó tạo điều kiện để Đinh Ngọc Hệ thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt 725 tỷ đồng tài sản nhà nước. Do vậy bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ GTVT với việc thực hiện bán đấu giá quyền thu phí cao tốc”, HĐXX nhận định.
Công ty của Đinh Ngọc Hệ không dùng tiền của mình để đấu giá
Đối với bị cáo Nguyễn Hồng Trường, HĐXX nhận định ông biết rõ các quy định, nhưng do biết Hệ có mối quan hệ cá nhân với ông Đinh La Thăng, nên từ quan hệ cá nhân cấp dưới - cấp trên, bị cáo Trường đã có sai phạm trong thực hiện. Đó là các quyết định cho Yên Khánh thanh toán 3 lần, ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá mà không thành lập hội đồng định giá; phê duyệt kết quả bán đấu giá dù chỉ có một đơn vị tham gia. Khi Yên Khánh không thực hiện thanh toán đúng thười gian cam kết, bị cáo chỉ đạo đôn đốc trả tiền mà không chỉ đạo đình chỉ hợp đồng cũng là trái quy định…
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Nguyễn Hồng Trường với vai trò đồng phạm với bị cáo Thăng và các bị cáo khác ở bộ GTVT gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Đối với Đinh Ngọc Hệ, HĐXX nhận định, ngay từ đầu Hệ đã có ý định chiếm đoạt tài sản nhà nước, nên đã lợi dụng quan hệ quen biết với Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng để được tham gia đấu giá và trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương. Hệ chỉ đạo các bị cáo dưới quyền làm giả hồ sơ năng lực tài chính. Khi trúng đấu giá, lợi dụng mối quan hệ với Đinh La Thăng, Hệ đã chậm nộp tiền theo hợp đồng, tới tháng 3-2017 mới được thu đủ (theo hợp đồng là tháng 10-2014).
Theo HĐXX, sau khi trúng đấu giá, Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ đã thế chấp hợp đồng này tại ngân hàng BIDV để vay hơn 1.700 tỷ đồng. Số tiền còn lại của hợp đồng (tổng cộng 2.004 tỷ đồng) được lấy từ tiền thu phí cao tốc. Như vậy thực tế Công ty Yên Khánh của Hệ không bỏ tiền của mình ra để thanh toán hợp đồng chuyển giao quyền thu phí. “Điều đó chứng tỏ công ty của Đinh Ngọc Hệ làm ăn thua lỗ, không có khả năng tài chính”, HĐXX nhận định.
Sau khi tiếp nhận, tổ chức khai thác thu phí theo hợp đồng, Hệ đã tiếp tục chỉ đạo các đồng phạm thuộc Công ty Yên Khánh thuê Công ty Xuân Phi viết phần mềm để can thiệp vào phần mềm quản lý doanh thu mà bộ GTVT đã cài đặt trước đó để che giấu doanh thu thực tế, xóa các dữ liệu thu phí, tiêu hủy chứng từ, lập khống chứng từ kế toán.
Ngoài ra, Hệ còn dùng ảnh hưởng của mình để tác động cho Licogi 13 được tham gia thực hiện 2 gói thầu trong dự án BOT Việt Trì, đổi lại, Hệ được mua căn biệt thự ở đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Licogi làm chủ đầu tư với giá chênh lệch thấp hơn 3,4 tỷ đồng.
HĐXX xác định Đinh Ngọc Hệ phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tải sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi với vai trò chủ mưu cầm đầu, chỉ huy nên phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ hậu quả đã gây ra.
Các bị cáo khác của Công ty Yên Khánh phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác của Bộ GTVT phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Mức án cụ thể của các bị cáo
1. Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT: 10 năm tù, tổng hợp các bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành án 30 năm tù, thời hạn chấp hành tính từ ngày 8-12-2017.
2. Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT: 4 năm 6 tháng tù.
3. Dương Tuấn Minh, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long): 4 năm tù.
4. Dương Thị Trâm Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long: 3 năm 6 tháng tù.
5. Nguyễn Chí Thành, quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT: 3 năm tù.
6. Lê Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT: 3 năm tù.
7. Nguyễn Thu Trang, nguyên Phó phòng đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng Công ty Cửu Long: 2 năm tù.
8. Đinh Ngọc Hệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng: Hình phạt chung là tù chung thân. Thời hạn tù tính từ ngày 3-12-2017
9. Phạm Văn Diệt, Tổng giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh: 10 năm tù. Tổng hợp với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt 24 năm tù.
10. Tô Phước Hùng, Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh: 9 năm tù.
11. Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Yên Khánh: 7 năm tù. Tổng hợp hình phạt từ bản án trước đó là 14 năm tù.
12. Phạm Tấn Hoàng, Phó phòng Kế toán Công ty Yên Khánh: 6 năm tù.
13. Trần Văn Miền, Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh, Chi nhánh Long An: 7 năm tù.
14. Nguyễn Thị Kim Huệ, Kế toán Công ty Yên Khánh: 5 năm tù.
15. Ngô Bá Thắng, Giám đốc Công ty Yên Khánh, Chi nhánh Long An: 5 năm tù.
16. Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Xuân Phi: 6 năm tù.
17. Hoàng Tô Hạnh Vân, Phó Giám đốc Công ty Xuân Phi: 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
18. Đinh Thị Chung, Kế toán Công ty Yên Khánh: 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm.
19. Tạ Đức Minh, Thủ quỹ Công ty Yên Khánh: 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm.
20. Lê Thị Những, Nhân viên hành chính nhân sự Công ty Đức Bình: 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm.