Tại phiên tranh tụng, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) đã trình bày một số ý kiến cá nhân liên quan tới vụ án.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng phiên tòa này xét xử theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp, cải cách tư pháp và bản thân đã lắng nghe bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát và hoàn toàn tôn trọng quan điểm đó.
Bị cáo Thăng cũng khẳng định, suốt quá trình tố tụng cũng như tại tòa, bản thân đã khai báo thành khẩn và nhận trách nhiệm là người đứng đầu ở PVN nhưng chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Bị cáo đã thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến không phát hiện kịp thời vi phạm, khuyết điểm của cấp dưới. Điều này dẫn đến các đơn vị, cá nhân có vi phạm pháp luật và phải hầu tòa.
Trong phần trình bày của mình trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng bị cáo không có ý thức đổ lỗi cho cấp dưới và xin nhận trách nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
"Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho người khác, từ anh Thực (bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN) trở xuống. Các bị cáo không có động cơ cá nhân, vụ lợi, vì trách nhiệm của mình vì sự chỉ đạo mà quyết liệt, nôn nóng. Bị cáo xin nhận trách nhiệm toàn bộ nếu được Hội đồng xét xử và Pháp luật cho phép...", bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ.
Trong khi trước đó bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, giai đoạn lấy lời khai bị cáo Sơn không mời luật sư vì cho rằng đã làm đúng quy định. Sau đó, do sức khỏe không đảm bảo và thấy cần có luật sư trình bày rõ cho mình nên bị cáo Sơn mới mời luật sư.
Về việc bị cáo Sơn bị cơ quan tố tụng đề nghị mức án từ 10-11 năm tù do hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư Ứng cho rằng, việc cáo trạng truy tố bị cáo Sơn về “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng mà có chăng chỉ là sự thiếu trách nhiệm.
Ngoài ra, luật sư còn đề nghị HĐXX áp dụng hết các tình tiết có lợi để giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo Sơn, đặc biệt là tình tiết bị cáo thành khẩn khai báo và tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án.
Lý giải cho đề nghị trên, luật sư Ứng cho rằng, chủ trương về dự án Nhà máy Nhiệt điệt Thái Bình 2 đã được lập trước khi bị cáo Sơn về PVN. Ngoài các tài liệu trong hồ sơ vụ án thì bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) và bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) cũng đã khai nhận rõ. Hơn nữa, đối với Hợp đồng EPC số 33, bị cáo Sơn không biết về nó không đủ điều kiện.
Về việc PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC, luật sư Ứng cho rằng, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy chế quản lý tài chính riêng. Căn cứ vào cuộc họp tại công trường ngày 3-6-2011 và theo thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV PVN là ứng vốn 10% nhưng hiệu lực Hợp đồng số 33 vẫn giữ như cũ. Do đó, luật sư cho rằng việc nhắc nhở ứng vốn cho PVC đã được bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được phân công.
“Việc chuyển tiền từ PVN sang dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thực chất là chuyển từ túi này sang túi kia”, luật sư Ứng nhận định. Và khi tiền đã chuyển cho PVC thì việc thất thoát thuộc trách nhiệm của đơn vị này...", luật sư Ứng nói.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) cho rằng trước khi bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản thì bản thân bị cáo Thuận đã tự khai ra hành vi của mình, đồng thời đề nghị gia đình nộp 800 triệu đồng khắc phục hậu quả.
“Việc này diễn ra trước khi bị khởi tố nên đây có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ”, luật sư Tuấn nhận định.
Về các tình tiết của vụ án, luật sư Tuấn nhìn nhận, việc đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Thuận chỉ đạo lập hồ sơ khống nhưng trong hồ sơ không có chứng cứ nào thể hiện điều đó mà chỉ có chỉ đạo đề nghị đơn vị có lãi đóng góp để PVC chi đối ngoại. Do đó, vai trò của bị cáo Thuận chỉ là giúp sức.
Đối với tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Tuấn nêu quan điểm, trong vụ án này, giám định thiệt hại là chưa hoàn hảo.