Ngày 24-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan tới vụ việc gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục tranh luận. Ngay sau khi đại diện Viện kiểm sát có ý kiến tranh luận với các ý kiến bào chữa của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) đã có ý kiến đối đáp lại.
Trước tòa, nguyên Chủ tịch PVN tiếp tục khẳng định việc PVN góp vốn vào OceanBank là để giải quyết hệ lụy về việc ngừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Ông Thăng cũng cho rằng việc bản thân ký thỏa thuận 6934 với Hà Văn Thắm là đúng quy định và không nhất thiết tất cả HĐQT phải ký. Trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy chế hoạt động, không có nội dung nào quy định biên bản thỏa thuận phải được sự đồng ý của HĐQT và HĐTV mà chỉ khi ban hành Nghị quyết thì mới cần tới sự đồng ý của HĐQT.
Ông Thăng cho rằng để giải quyết hệ lụy của việc dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt thì nếu Chủ tịch PVN không chỉ đạo đi tìm đối tác giải quyết hệ lụy đó thì ai là người chỉ đạo? Hơn nữa, chủ trương này HĐQT PVN đã biết và thống nhất. Mấu chốt là đã đàm phán với các đối tác khác, nhưng họ không chấp nhận điều kiện của PVN trong khi OceanBank chấp thuận.
"Nếu quy kết bị cáo chỉ đạo việc này thì không hợp lý. Nếu bị cáo không chỉ đạo thì vứt đi hàng trăm tỷ đã đầu tư và còn hàng trăm con người đã tuyển dụng để chuẩn bị cho Ngân hàng Hồng Việt. Nếu bỏ đi mấy trăm tỷ như thế, bị cáo đã không có tội. Giờ đề xuất phương án giải quyết mấy trăm tỷ đó thì lại có tội..."- ông Thăng đối đáp lại.
Không chỉ bào chữa cho bản thân mà ông Thăng còn thẳng thắn cho rằng các đồng phạm là cấp dưới của mình không làm sai. Theo ông Thăng, các thành viên HĐTV đều thực hiện theo nguyên tắc tập thể, quyền biểu quyết có giá trị ngang nhau. Các thành viên đều nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của PVN và khi thực hiện không ai cố tình làm một việc mà biết đó là sai.
“Đây không phải là đồng phạm. Họ là những cá nhân làm việc tích cực, là những người đóng góp cả cuộc đời tận tâm tận huyết với công việc, cùng với bị cáo thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao để kinh doanh có lãi, không ai cố tình làm trái để tự lấy đá ghè chân mình..." - ông Thăng trình bày.
Tiếp tục đối đáp lại với đại diện cơ quan tố tụng, ông Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định những lần góp vốn của PVN đều có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sau đó PVN mới triển khai. Khi đầu tư vào OceanBank, PVN được chia lợi nhuận hơn 240 tỷ đồng, chưa kể toàn bộ giá trị tiền, bộ máy nhân sự đã đầu tư khi có chủ trương thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Khi đầu tư không bao giờ và không thể nghĩ được, khi thoái vốn sẽ không được đồng ý và đến năm 2015, OceanBank sẽ bị mua với giá 0 đồng.
Cuối cùng trong nội dung đối đáp, ông Thăng nhắc lại việc mình đang phải chịu bản án 13 năm tù trong vụ án liên quan với PVC và phía trước là một bản án nữa rất nặng đang chờ.
“Bị cáo mong HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát xem xét đánh giá một cách khách quan và thực tế tại thời điểm lịch sử đó, để có phương hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng...”- ông Thăng bày tỏ.
Trước đó, đối đáp lại các ý kiến của luật sư bào chữa cho các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng theo quy định thỏa thuận ký kết giữa bị cáo Thăng và Hà Văn Thắm về việc PVN góp vốn vào OceanBank phải lấy ý kiến thông qua tập thể, chứ không thể có suy nghĩ các thành viên HĐQT PVN đều biết chủ trương này. Mặt khác, theo quy định của Chính phủ và hoạt động của HĐQT vấn đề này phải được thông qua HĐQT PVN thảo luận, lấy ý kiến theo nguyên tắc tập thể. Đại diện cơ quan tố tụng cũng chỉ rõ, bản thân bị cáo Thăng cũng ý thức được vi phạm này nên đầu năm 2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào làm việc, bị cáo đã nhờ các ông, bà là Hùng, Cảnh, Hòa, Đạo (nguyên thành viên HĐQT PVN) xác nhận bị cáo Thăng đã bàn bạc thống nhất về chủ trương và giao cho bị cáo thực hiện. Do cả nể nên ông Hùng, ông Cảnh, bà Hòa đã ký xác nhận cho ông Thăng vào Giấy xác nhận nhưng trên thực tế thời điểm ông Thăng ký thỏa thuận góp vốn với OceanBank, những người này không được trao đổi, bàn bạc, riêng ông Đỗ Văn Đạo không ký xác nhận theo đề nghị của ông Thăng.
"Bị cáo Thăng đã che giấu vì khi bị kiểm tra và tại cơ quan điều tra, chưa bị khởi tố, bị cáo đã đưa ra tài liệu này để chứng minh việc đã có sự thống nhất của các thành viên HĐQT. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chứng minh việc này không phải sự thật..."- đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ.
Trong khi đó, tranh luận về việc Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng, đại diện Viện kiểm sát cho rằng quyết định này vẫn còn nguyên giá trị và là yêu cầu tất yếu. "Có đủ căn cứ xác định giá trị vốn chủ sở hữu của OceanBank không còn giá trị, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng là có lợi cho các cổ đông, Nhà nước gánh hậu quả nợ cũng như những phát sinh khác...” – đại diện cơ quan tố tụng khẳng định.