Theo cáo trạng, trong 7 bị can bị truy tố trong vụ án này có ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) cùng 6 bị can khác là: Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN).
Đáng chú ý, trong các bị can bị truy tố thì bị can Ninh Văn Quỳnh bị truy tố với 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Còn ông Đinh La Thăng và 5 bị can khác nêu trên đều bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cáo trạng của vụ án làm rõ, năm 2006, theo đề án hình thành PVN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN được thành lập mới một ngân hàng cổ phần dầu khí (đặt tên là Ngân hàng Hồng Việt), trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ.
Sau đó, PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2008, Thủ tướng không cho phép PVN thành lập ngân hàng nên ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó Tổng giám đốc PVN) và Nguyễn Xuân Sơn là Trưởng ban Trù bị Ngân hàng Hồng Việt vào thời điểm đó làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có OceanBank.
Sau đó, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT OceanBank lúc đó đã bàn bạc thống nhất việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank.
Tháng 9-2008, theo thỏa thuận PVN tham gia góp vốn khi OceanBank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008. Như vậy PVN đã góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank tương đương 400 tỷ đồng, các cổ đông là cán bộ nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt là 10% vốn điều lệ tại OceanBank. Đồng thời, OceanBank tiếp nhận các cổ đông này về làm việc cùng cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đầu tư, mua sắm.
Đáng chú ý, mặc dù trước đó được báo cáo rõ tình hình kinh tế, kết quả hoạt động của OceanBank rất yếu kém nhưng ông Đinh La Thăng khi đó là chủ tịch HĐQT PVN giai đoạn từ 2008-2011 đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát OceanBank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào OceanBank.
Ông Đinh La Thăng cũng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm về việc góp vốn vào ngân hàng này, đồng thời ông Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.
Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Đinh La Thăng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến của Chính phủ, đồng thời ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% (thông qua 3 lần góp vốn) vốn góp vào OceanBank với tổng số tiền lên tới 800 tỷ đồng.
Việc làm trên của ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trọng vụ án này là trái các quy định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau này, khi OceanBank thua lỗ, bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN. Số tiền này đến nay không thu hồi được.
Cáo trạng cũng làm rõ bị can Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm đảm bảo toàn vốn của PVN. Đáng chú ý, trong giai đoạn bị truy tố ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.