Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với ông David Dương. Từ Mỹ, ông đã bày tỏ những khát khao cống hiến, thực hiện các dự án đầu tư tại quê nhà, với ước mong góp phần thúc đẩy phát triển, khôi phục kinh tế sau cơn đại dịch Covid-19.
Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CWS và VWS |
- Thưa ông, được biết vào tháng 7 tới, ông sẽ đưa đoàn gồm có các doanh nhân Mỹ và một số kiều bào Mỹ về Việt Nam để kết nối đầu tư, ông có thể chia sẻ rõ hơn về chuyến đi này?
Ông David Dương: Khi tôi xem báo, nghe đài biết rằng doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, thị trường xuất khẩu, nhiều người lao động mất việc làm… khiến tôi rất tâm tư, trăn trở. Tôi muốn được góp phần sức lực nhỏ nhoi vào công cuộc phục hồi kinh tế, đưa nhiều doanh nghiệp Mỹ, kiều bào Mỹ về Việt Nam đầu tư.
Dự định về chuyến đi này đã được hình thành từ cuối năm 2022. Đến nay mọi chuyện đã chuẩn bị sẵn sàng, cuối tháng 7/2023 tới đây, đoàn gồm 10 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng muốn về Việt Nam tìm nguồn cung cấp sắt, thép. Trong đoàn còn có các ngân hàng và sự tham gia của tỷ phú Mỹ Douglas M. Leone - người đang nắm một quỹ đầu tư khoảng 80 tỷ USD đang có ý định tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Dự kiến, đoàn có 15-20 người về Việt Nam và đến nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… để cùng ký bản ghi nhớ, tham quan một số doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tại Việt Nam.
Những doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này nhằm tìm những cơ hội đầu tư, tìm thêm những doanh nghiệp Việt xuất khẩu để nhập hàng trực tiếp. Những ngân hàng Mỹ đến Việt Nam cũng nhằm tìm hiểu thêm thị trường. Đối với vị tỷ phú Mỹ - Douglas M. Leone tin tưởng chúng tôi nên muốn đầu tư vào dự án của VWS và những dự án mà chúng tôi giới thiệu.
- Thưa ông, hiện tại nền kinh tế trong và ngoài nước đang gặp không ít khó khăn, ông mong muốn sau chuyến “kết nối” lần này chúng ta sẽ đạt được những kết quả như thế nào?
Khó khăn về kinh tế là tình hình chung toàn cầu. Nhưng nơi nào càng khó khăn thì cơ hội nơi ấy càng lớn. Đó là lý do để tôi thuyết phục và “rủ rê” được thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội trong chuyến đi lần này. Mong muốn của tôi là càng thu hút nhiều nhà đầu tư rót vốn vào thị trường trong nước, thì khả năng phục hồi kinh tế, người dân có công ăn việc làm càng nhiều thêm.
- Nghe ông chia sẻ, tôi cũng cảm thấy rất kỳ vọng vào chuyến về nước của ông lần này. Về dự án trong nước, liên quan đến chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, giảm thiểu việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh hiện hữu, theo đúng với định hướng phát triển của thành phố, đã được ông thực hiện như thế nào?
Hiện tại chúng tôi đã làm xong mảng chuyển đổi và chọn được công nghệ của Nhật Bản để nộp trình UBND TPHCM. Lý do chọn dự án công nghệ lò đốt rác phát điện theo công nghệ của Nhật Bản là vì công nghệ này phù hợp với đặc điểm chất thải sinh hoạt TPHCM, chi phí đầu tư tương đối, hiệu suất phát điện cao.
Hiện Công ty VWS đang chờ thành phố phản hồi, kiểm tra dự án để tính đến chuyện thương lượng giá cả, trong đó có cả vấn đề bán điện. Có thể công ty bán điện trực tiếp hoặc thành phố sẽ bao tiêu điện. Mọi chuyện vẫn đang chờ thành phố quyết định.
Mô hình dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh Long An |
Với tư cách là nhà đầu tư, tôi luôn đặt cái tâm và uy tín lên hàng đầu. Do vậy khi chọn ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện tại Việt Nam, tôi muốn chọn công nghệ phù hợp với chủng loại rác, phải đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe người dân… Đặc biệt hơn là đáp ứng được những yêu cầu của thành phố là đốt rác hoàn toàn.
Về công suất của nhà máy đốt rác phát điện này dự kiến tối thiểu khoảng 3.000 tấn/ngày. Theo tiêu chuẩn quốc gia, rác sẽ được phân thành nhiều loại: tái chế, làm phân hữu cơ, phần còn lại mới đốt. Dù hiện nay công ty đang nhận gần 7.000 tấn rác/ngày nhưng sau khi lọc lựa, tái chế, làm phân bón…, phần còn lại để đốt chỉ còn khoảng 2.000-3.000 tấn.
Tổng chi phí đầu tư dự kiến riêng về công nghệ khoảng 420 triệu USD cho 3.000 tấn/ngày. Chúng tôi sẽ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 1.500 tấn/ngày. Thời gian này sẽ xem thử thành phần rác, khối lượng điện thu được có như dự kiến hay không, sau đó sẽ tiến hành giai đoạn 2 cách nhau khoảng một năm.
Về nơi tiến hành dự án, nếu đặt nhà máy tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) sẽ có nhiều thuận lợi vì cơ sở hạ tầng có sẵn. Do vậy thời gian xây dựng nhà máy chỉ khoảng 20 tháng. Trường hợp Nhà nước cho phép đặt nhà máy tại Khu Công nghệ Môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) thì mất khoảng 2,5-3 năm.
Nếu nghĩ đến chuyện về lâu dài, căn cơ, xử lý nhiều thành phần rác không gây ô nhiễm môi trường, đầu tư bài bản…; giữ được quỹ đất tại Đa Phước cho sự phát triển dân cư trong tương lai thì bản thân tôi muốn đặt nhà máy tại Long An nhiều hơn.
Về dự án ủ rác, đốt khí gas phát điện tại khu chôn lấp mà Công ty VWS chuẩn bị triển khai tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, dự án này sẽ được nối kết vào lưới điện quốc gia. Nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ Nhật Bản trong tương lai cũng nối kết vào đây. Do vậy, hai dự án dù nằm ở hai vị trí khác nhau trong khu vực dự án nhưng đường truyền tải điện đều truyền về cùng một nơi. Từ đó, chúng ta có thể sử dụng hết nguồn điện có được, phần dư sẽ đưa vào nguồn điện quốc gia nên không có sự xung đột giữa 2 dự án này.
Dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi. Tín hiệu tích cực là ngày càng tốt hơn. Chúng tôi đang thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN để bán điện. Sẽ có 12 tổ máy (đang vận hành 4 tổ) được vận hành tại đây.
- Thưa ông, cũng liên quan đến một dự án đang được ông đầu tư trong nước đó là dự án tại Khu công nghệ môi trường xanh Long An, ông có thể chia sẻ về dự định triển khai trong thời gian sắp tới?
Sau khó khăn từ đại dịch Covid-19 thì lại gặp vấn đề về kinh tế, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải ngưng hoạt động, công nhân thất nghiệp… Những khó khăn đó thúc đẩy chúng tôi càng quyết tâm tái khởi động lại các dự án còn dang dở, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trước mắt, Công ty VWS sẽ có văn bản gửi Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Long An và TPHCM xin tiếp tục đầu tư để xây dựng hạ tầng, chủ yếu tập trung vào những gì đã được phê duyệt các hạng mục của dự án trước đó. Hơn bao giờ hết, việc đầu tư trong giai đoạn này như một tín hiệu kinh tế khởi sắc. Đó là dù kinh tế Việt Nam đang khó khăn nhưng vẫn có nhà đầu tư - đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ sẵn sàng “rót tiền”, chứng tỏ họ vẫn rất tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, sẽ vượt qua khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Chúng tôi muốn đầu tư mạnh vào hạ tầng tại dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh Long An. Bởi theo luật, rác sau khi thu gom sẽ được tái chế 70%, chỉ 30% còn lại mới được đốt hoặc chôn lấp. Nơi đây sẽ phân khu và xây sẵn khu chôn lấp công nghệ Mỹ cho khối lượng rác theo quy định, sẵn sàng tiếp nhận rác trong giai đoạn đầu, khi nhà máy đốt rác phát điện đang được thông qua.
Chúng tôi vẫn khuyến khích, kết nối thêm doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam đầu tư. Nếu có thêm những dự án an toàn, dự án tốt thì nhất định chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư.
- Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ này!