Có được căn nhà rộng hơn 120m2, ông Hồ Đề chia thành 25 phòng trọ cho sinh viên, người lao động nghèo thuê. Trong nhiều năm liên tục, hơn 30 khách trọ được ông miễn phí tiền điện nước, thậm chí là tiền nhà. Một số trường hợp, ông lấy 1 triệu đồng/tháng, rẻ hơn nhiều lần so với giá thuê trọ quanh khu vực nhà ông. Đặc biệt là số tiền cho thuê được ông tích lũy để làm “quỹ cứu kẹt”, cho người thuê nhà mượn rồi trả góp dần dần. Có người không thể trả nổi, ông Đề cũng bỏ qua luôn, coi như một lần làm việc tốt. Từ sự giúp đỡ của ông mà nhiều người ở trọ đỡ vất vả khi xa quê làm ăn, học tập.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, người lao động thất nghiệp triền miên, ông Đề thương tình, lại miễn luôn tiền phòng trọ, còn tặng quà, cho họ mượn tiền để mưu sinh hàng ngày.
“Tôi lớn lên trong gian khó, thấm hết những nỗi cơ cực của người lao động nghèo nên có ước nguyện giúp đỡ họ. Đợt dịch lần này căng quá, chỗ trọ của tôi có nhiều người không làm ra tiền. Tôi hỗ trợ chút ít cho những người gặp khó khăn cũng là lẽ thường tình”, ông Đề chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Điềm, hàng xóm của ông Đề, cho hay, ông làm việc tốt hơn 40 năm nay rồi. Ngay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, ông đã miễn, giảm tiền nhà cho người lao động nghèo, sinh viên. Từ Bình Thuận vào TPHCM phụ rửa chén cho một quán ăn trên đường Phan Xích Long, chị Nguyễn Thị Tâm tá túc trong nhà ông đã hơn 3 năm. Khi dịch bệnh đến là lúc túng quẫn nhất vì thất nghiệp, chị Tâm được ông cho ở miễn phí.
Chị nói: “May mà được chú Đề cho ở miễn phí nên tôi lấy khoản tiền nhà để chi tiêu trong mùa dịch. Chú Đề biết tôi nhịn ăn sáng nên mang cho vài gói mì, đường, sữa. Đã ở trọ nhiều nơi nhưng tôi chưa thấy ai tốt như chú”.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Hồ Đề vẫn chọn sống cạnh những người nghèo khó để hỗ trợ, chăm lo cho họ. Dù là chủ một căn nhà 2 tầng, nhưng mỗi đêm ông Đề vẫn ngủ trên chiếc ghế bố đặt ở hành lang để nhường phòng cho những người thuê trọ nghèo khó. “Tôi muốn sửa lại nhà từ lâu rồi, nhưng mấy chục năm nay lúc nào cũng có hơn 30 người nghèo và sinh viên ở. Giờ mà sửa chữa, mọi người thuê chỗ khác lại tốn tiền nên tôi cứ lần lữa mãi”, ông Đề cười hiền.
Căn nhà trọ có giá trị nhưng ông Hồ Đề không bán. Trong tờ di chúc, ông mong muốn các phòng trọ vẫn là địa chỉ dành cho người lao động, sinh viên nghèo và người già neo đơn. Bao năm làm việc thiện, gia tài mà ông có được chính là sự mến trọng của mọi người. Trao nhau nụ cười, sự cảm thông trong lúc khốn khó, ông Đề làm ấm lòng biết bao người nghèo khó giữa những lo toan mùa dịch bệnh.