Theo hội đồng xét xử (HĐXX), hành vi của bị cáo Quang đã xâm phạm đến tài sản nhiều người, gây bất bình trong dư luận. Theo đó, bị cáo Quang đã tuyên truyền, kích thích lòng tham của các nhà phân phối, không phải sản xuất hàng hóa vẫn được lợi nhuận cao khi "đổ tiền" vào công ty.
Bị cáo Quang chiếm đoạt tài sản của nhiều người, nhiều lần. Tuy nhiên bị cáo đã thành khẩn, đã tự khắc phục một phần hậu quả ngay từ giai đoạn điều tra. Thêm vào đó, bị cáo từng có thời gian phục vụ trong quân đội nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Tại tòa, từ lời khai và hồ sơ vụ án thể hiện, nắm được tâm lý hám lợi và mong muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không cần kinh doanh, chỉ cần nộp tiền để thu lợi nhuận cao của nhiều người dân, Lê Văn Quang thành lập hệ thống 5 công ty có trụ sở tại Hà Nội.
Để bị hại tin tưởng, Quang lấy tên doanh nghiệp là Thăng Long Group và lập ra Công ty Nhượng quyền Thăng Long để xin giấy phép kinh doanh đa cấp của Bộ Công thương nhằm tạo vỏ bọc hợp pháp.
Bản án xác định, Lê Văn Quang lập 5 công ty và chỉ đạo thuộc cấp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán. Một hệ thống theo dõi thu chi bằng tiền mặt, hệ thống còn lại gồm sổ sách riêng của từng công ty có báo cáo thuế, được lập ra để che giấu doanh thu.
Từ cuối năm 2014, để thu hút bị hại, Quang đã chỉ đạo các đồng phạm tổ chức các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng, bốc thăm trúng thưởng… như câu lạc bộ triệu phú, khách hàng không cần mua hàng, chỉ cần nộp tiền kích hoạt mã số sẽ hưởng lợi hoặc chương trình Thăng Long năm pháo hoa, Bốc thăm chào xuân…
Với chương trình khuyến mại, các bị cáo quảng cáo nếu mua hàng trị giá 31 triệu đồng sẽ nhận về 146 triệu đồng; đơn hàng 155 triệu đồng nhận 730 triệu đồng….
Các bị cáo chi trả hoa hồng, thù lao cho bị các bị hại và tạm khấu trừ 5%-10% thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, số tiền này được sử dụng cho công ty mà không quyết toán, nộp thuế.
Với cách thức trên, từ năm 2015-2016, các bị cáo đã mở rộng mạng lưới tại 32 tỉnh, thành phố, lôi kéo 36.000 người tham gia, thu số tiền 736 tỷ đồng. Cho tới khi vụ án được đưa ra xét xử, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của gần 1.600 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt là 182 tỷ đồng.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế của Công ty Nhượng quyền Thăng Long, theo kết luận của Giám định viên tư pháp Cục Thuế TP Hà Nội, số tiền trốn thuế của công ty này đối với thuế thu nhập cá nhân của nhà phân phối là hơn 35 tỷ đồng.
Tại tòa, các bị cáo khai nhận hành vi nhưng cho rằng không gian dối, số tiền chiếm đoạt không lớn như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu tố tụng và trình bày của các bị hại. Trên cơ sở đó, tòa xác định bị cáo Quang và đồng phạm đã quảng cáo sai sự thật, thể hiện qua việc tuyên truyền không cần mua hàng, chỉ cần nộp tiền vẫn nhận khoản tiền lớn. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX xác định trong vụ án này, Lê Văn Quang giữ vai trò phạm tội cao nhất nên phải chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, Quang phạm tội đối với nhiều bị hại nên phải chịu thêm tình tiết tăng nặng.
Mức án dành cho các bị cáo gồm: Lê Văn Quang (sinh năm 1973, cựu Chủ tịch HĐQT Thăng Long Group) tù chung thân; Phạm Ngọc Tuân (Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long) 19 năm tù; Vũ Đình Hùng (Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long) 19 năm tù; Đỗ Văn (cựu Giám đốc Công nghệ thông tin) 15 năm tù; Nguyễn Hồng Thái (phụ trách đào tạo) 14 năm tù; Nguyễn Thành Nam (phụ trách đào tạo) 15 năm tù; Huỳnh Trọng Nghĩa (Giám đốc truyền thông) 15 năm tù; Hoàng Hải Yến (giám đốc tài chính) 9 năm tù.