327 công nhân cùng đường!
Trụ sở BISUCO đặt tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) những ngày cuối tháng 4, càng trở nên tồi tàn, đổ nát. Nơi đó chẳng khác nào kho sắt vụn gỉ sét, giăng mắc lỉnh kỉnh giữa khu đất gần 7ha.
Vào bên trong, các phòng làm việc của công ty này đóng kín cửa, dán đầy những mẫu giấy triệu tập, thông báo, giám định kiểm kê tài sản và quyết định thi hành án… của Cục thi hành án tỉnh Bình Định. Trụ sở nhà máy đường từng một thời được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định, bây giờ cơ bản đã bị phong tỏa hoàn toàn.
Ngày 8-5, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch công đoàn cơ sở BISUCO, trình bày lại sự việc: Bắt đầu từ tháng đầu tháng 7-2018, khi chúng tôi nhận được một mẫu thông báo, nội dung: “Giám đốc Công ty CP đường Bình Định thông báo, bố trí cho toàn bộ cán bộ công nhân viên (CB-CNV) được nghỉ phép năm 2018 và nghỉ vụ từ ngày 9-7-2018 cho đến khi có thông báo mới.”
Từ đó đến bây giờ, 327 CB-CNV đang làm việc cho công ty này, không được trả lương, không được đóng bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp.
“Tính đến bây giờ, công ty giờ còn nợ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp của 327 CB-CNV của công đoàn lên trên 19 tỷ đồng. Giám đốc thì bỏ trốn chỉ với mẫu giấy thông báo nghỉ phép, nghỉ vụ và không hề có quyết định nghỉ việc. Tất cả công nhân đã gắn bó 22 năm với công ty trở nên khốn đốn, đi không được mà ở chẳng xong. Đa số các công nhân đều lớn tuổi, không thể xin được việc làm mới ổn định", ông Đồng cho biết.
"Còn tiền bảo hiểm thì không được hưởng vì chưa có quyết định nghỉ việc chính thức có chữ ký của lãnh đạo công ty. Giờ giám đốc bỏ trốn về nước rồi, tìm đâu ra để xin chữ ký đây. Vừa rồi, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định, chúng tôi đã làm đơn khởi kiện lãnh đạo công ty ra tòa án” - ông Đồng bức xúc.
Ông Đồng cho biết thêm, vừa rồi ông đã tập hợp 327 công nhân của công ty lại để lấy chữ ký xác nhận, làm đơn gửi lên tòa án, yêu cầu tuyên bố phá sản đối với BISUCO.
Theo Chi cục thi hành án huyện Tây Sơn, hiện BISUCO cũng đang nợ Ngân hàng TNHHMTV Standard Chartered (gọi tắt là SCB Việt Nam) là 131,4 tỷ đồng. SCB Việt Nam đã yêu cầu Cơ quan Thi hành án đối với trụ sở BISUCO tại Bình Định.
Trong thời gian thi hành án, nếu ông Arunachalam Nandaa Kumar vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì SCB Việt Nam sẽ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý, phát mãi tài sản thế chấp theo các hợp đồng.
Ông Đồng cho biết: “Tuy nhiên, 327 công nhân của công ty cho biết, sẽ không để ai mang bất cứ một cái gì đi nếu chưa giải quyết hết nợ cho họ. Tình hình ở BISUCO căng như “dây đàn”, sợ dễ xảy ra đụng độ…”
Cầu cứu đến tòa án
Cái tên BISUCO làm chính quyền và người dân Bình Định ngán ngẩm khi nhắc đến. Tháng 6-2018, UBND tỉnh Bình Định từng ra quyết định phạt BISUCO gần 2 tỷ đồng vì xả thải gây ô nhiễm sông Côn. Không biết số tiền nộp phạt lớn này, DN đã trả đủ hay chưa?
Cuối tháng 4-2019, Cục thuế Bình Định cũng đã công khai danh sách 210 doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế. Trong đó, dẫn đầu danh sách là Công ty BISUCO còn nợ thuế 24,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thống, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Tây Sơn lắc đầu, nói: “Suốt 2 năm trời từ sự cố ở Công ty CP đường Bình Định làm cho địa phương rất đau đầu, giờ gỡ mãi không ra. Hết ô nhiễm, nợ mía nông dân giờ đến không trả lương cho công nhân, nợ ngân hàng, trốn thuế. Bây giờ liên hệ cũng không được lãnh đạo người Ấn Độ của công ty này nên mọi chuyện giờ chỉ còn biết trông đợi ở tòa án thôi…”
Theo bà Thống, BISUCO phá sản kéo theo ngành mía đường của địa phương rơi xuống vực. Từ trên 600ha (2017 đến 2018) nay chỉ còn hơn 200ha, nông dân quay lưng dần với cây mía.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, người đứng tên đại diện pháp luật của BISUCO là ông Arunachalam Nandaa Kumar (người Ấn Độ). Tại tỉnh Long An, ông chủ người Ấn Độ này cũng đứng tên 1 doanh nghiệp mía đường khác, với cái tên Công ty CP NIVL (NIVL). Hiện, tình cảnh của BISUCO sao thì NIVL tương tự vậy.
“Trước đây, khi mua vốn CP chi phối từ năm 2006, giai đoạn sau đó BISUCO làm ăn rất có lãi tại Bình Định. Có thời điểm, số lượng CB-CNV làm cho công ty này lên trên 600 người, thu mua mía của cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhưng đùng một cái, ông chủ người Ấn Độ này tháo chạy, khiến 327 công nhân bỗng nhiên mất việc”, ông Đồng kể.
Ông Đồng nói thêm: “Cách “tẩu thoát” của ông chủ người Ấn Độ làm cho 327 công nhân cùng đường, không biết kiện ai hết. Không có quyết định và chữ ký của giám đốc cho nghỉ việc, chỉ chừa đường cho công nhân chúng tôi kiện ra tòa thôi. Mà cái này có thể phải kiện ra tòa án quốc tế thì mới mong tìm được tung tích ông chủ Ấn Độ này”.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định, cho biết: Từ khi ông chủ Ấn Độ bỏ trốn về nước, ngành chức năng Bình Định không thể liên lạc được với ông này.
Theo ông Quang, hiện UBND tỉnh Bình Định đã giao cho Sở Công thương chủ trì phối với các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết tình hình công nhân không có việc làm ở BISUCO. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã cùng với LĐLĐ cơ sở và công đoàn, tổ chức tại BISUCO để hướng dẫn hỗ trợ cho công nhân khởi kiện để đòi lại các quyền lợi cho họ.
“Trước mắt, địa phương đã hướng dẫn người lao động tại BISUCO làm đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với công ty này ra tòa án. Sau đó, các đơn vị chức năng sẽ hỗ trợ và hướng dẫn các công nhân thực hiện những bước tiếp theo. Phải ưu tiên, giải quyết trước tiên cho quyền lợi của các công nhân ở BISUCO…”, ông Quang cho hay.