Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng với ông Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả công tác giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trong năm 2024?
Ông Bùi Xuân Thống: Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tiến hành 2 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội và việc quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2023; 2 cuộc giám sát chuyên đề của UBTVQH về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 và việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009-2023.
Cùng với đó là 3 cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh về việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019 – 2023, về giáo dục việc làm, quản lý lao động và quỹ Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2020-2023, việc đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến ngày 30-6-2024.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các cơ quan thẩm quyền địa phương thông qua việc ban hành báo cáo theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm; qua đó, tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan thẩm quyền địa phương luôn đạt hiệu quả cao.
Qua tiếp xúc cử tri, có những vấn đề mà người dân quan tâm đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan Trung ương của Quốc hội và Chính phủ?
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong hoạt động tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đoàn ĐBQH luôn quan tâm tạo điều kiện, phục vụ tốt cho ĐBQH tiếp xúc cử tri theo đúng quy định, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của các đợt tiếp xúc cử tri, qua đó, số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH được nâng cao.
Công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, toàn bộ các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của Trung ương và địa phương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan Trung ương của Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh đúng thời hạn.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri liên quan đến các vấn đề có vướng mắc, bức xúc, tồn tại trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, các vấn đề nổi cộm của tỉnh Đồng Nai như giao thông, môi trường, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hay ý kiến về giáo dục, y tế... đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định, cải thiện đời sống của nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri góp phần từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang bị chậm tiến độ. Qua tiếp xúc cử tri, người dân bị thu hồi đất có những kiến nghị gì và có được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, có ý kiến với chính quyền để giải quyết cho bà con?
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảng giá đất và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hiện nay, dự án có tiến độ xây dựng hạ tầng các khu tái định cư rất chậm, chưa thể bàn giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở (đặc biệt là ở địa bàn thành phố Biên Hòa), công tác bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật chậm so với tiến độ yêu cầu (dự án thành phần 1 bàn giao được trên 42,2%, dự án thành phần 2 bàn giao được trên 51,4%), mặt bằng bàn giao "da beo", không liên tục và nhiều vị trí không có đường giao thông tiếp cận để triển khai thi công.
Bên cạnh đó, về nguồn vật liệu đất đắp: Trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác tìm kiếm, khảo sát các vị trí khai thác theo cơ chế đặc thù của nhà thầu gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, chưa có chủ trương khai thác.
Từ những kiến nghị của cử tri, khó khăn vướng mắc của dự án, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận đầy đủ các ý kiến, kiến nghị và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, khi có kết quả trả lời, đoàn đại biểu đã chuyển cho Ủy ban MTTQVN các huyện thông tin cho cử tri biết.
Có những vấn đề gì vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, thu hồi đất còn bất cập mà Đoàn ĐBQH thấy cần có kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền?
Tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án. Tuy nhiên, các dự án trên địa bàn đa phần chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân phần lớn là do vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, thu hồi đất còn bất cập, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sau khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua, ngày 15-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 87, Điều 92, Điều 94, Điều 95, Điều 96, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 102, Điều 106, Điều 107, Điều 108, Điều 109 và Điều 111 của luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nhận thấy, Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và với Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định chi tiết các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, thu hồi đất, có nhiều điểm mới và phù hợp hơn; do đó đã tháo gỡ phần lớn các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, thu hồi đất, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc bồi thường, thu hồi đất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện bồi thường, thu hồi đất tại địa phương, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số khó khăn bất cập, vướng mắc như:
- Việc xác định vị trí, xác định giá đất chưa thực sự phù hợp, chính xác, nên dẫn đến giá bồi thường không thỏa đáng và phù hợp.
- Đa số các dự án chưa bố trí, giải quyết thỏa đáng việc tái định cư cho người dân.
- Chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất chưa thực sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân.
- Do một số chính sách, quy định chưa được rõ ràng, mâu thuẫn; cán bộ, công chức chưa thực sự nhiệt tình và tích cực trong công việc.
Để triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả công tác bồi thường, thu hồi đất trong thời gian tới. Tôi kiến nghị các cơ quan thẩm quyền cần thực hiện tốt các công tác sau:
- Thứ nhất, các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện tốt công tác chỉ đạo; đồng thời luôn có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ công tác liên quan đến bồi thường, thu hồi đất.
- Thứ hai, thực hiện tốt việc triển khai, tập huấn chuyên môn cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
- Thứ ba, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; có biện pháp khen thưởng - xử lý kỷ luật phù hợp, nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công việc.
- Thứ năm, có cơ chế linh hoạt, thông thoáng, xóa bỏ tư tưởng rào cản "pháp luật vô hình" nhằm tạo tinh thần, động lực cho cán bộ an tâm, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.
- Thứ sáu, các cơ quan chuyên môn cần khẩn trương hoàn thiện chính sách giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi theo Luật Đất đai 2024, như về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 109, Luật Đất đai 2024).
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết Chống lãng phí, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc chống lãng phí. Vậy, trong chương trình công tác sắp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh có đưa nội dung này vào công tác giám sát? Và dự kiến sẽ giám sát những nội dung gì?
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014 và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Định kỳ hàng năm, Quốc hội đều yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề này, trong đó, làm rõ kết quả thực hiện kiến nghị giám sát; trách nhiệm xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ; dự án đầu tư không hiệu quả; dự án BOT, BT có vướng mắc; đất nông, lâm trường cả nước chưa sử dụng; sử dụng không đúng mục đích; đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; đất nông nghiệp để hoang hóa...
Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã ban hành quyết định, kế hoạch giám sát các kiến nghị sau giám sát của đoàn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến ngày 30-6-2024 trên địa bàn tỉnh và tiến hành giám sát trong năm 2024.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát năm 2025. Dự kiến trong năm 2025, đoàn sẽ tiến hành giám sát một số chuyên đề nhận được nhiều sự quan tâm như: tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng các quỹ trên địa bàn tỉnh; về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, công tác giám sát trong năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập trung tái giám sát UBND tỉnh và chính quyền các địa phương; tái giám sát Kết luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý trách nhiệm đối với các dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội.
Xin cảm ơn ông!