Thay vì quy định mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con, dự thảo Luật Dân số đề xuất cho các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Điều này đang tạo ra những tranh luận trái chiều. SGGP thứ bảy trao đổi với ông Bùi Sĩ Lợi (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
* Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Văn Tân cho biết, đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết định số con vẫn còn hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng phải tiếp tục sinh 1-2 con hoặc nới lỏng hơn nữa cho phép sinh 2 con để làm chuẩn mực cho mọi người thực hiện. Một bên muốn theo quy định như Pháp lệnh dân số 2003, các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh. Quan điểm của ông ra sao?
- Dự kiến đến năm 2015, Việt Nam mới đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con cho một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ngay từ năm 2006 Việt Nam đã đạt được mục tiêu này và duy trì suốt 10 năm qua. Quan điểm của tôi là bây giờ Việt Nam đang đạt mức sinh thay thế thì đó là kết quả rất tốt rồi. Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao giữ được mức sinh thay thế ổn định như vậy. Đó là biện pháp rất đáng quan tâm.
Nhưng chúng ta cần phải nhớ, tuy hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng đã bắt đầu chuyển sang thời kỳ già hóa dân số. Nghĩa là nguồn lao động của chúng ta đã đạt tới đỉnh rồi, nhưng đã bắt đầu già hóa dân số. Nếu giữ nguyên mức sinh như hiện nay thì chắc chắn đến năm 2035, nguồn lao động sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc xác định quy mô dân số là rất quan trọng. Nếu chúng ta cho tăng dân số nhanh thì cũng rất phức tạp. Nhưng nếu để nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng rất bất lợi. Nếu Việt Nam tiếp tục để mức sinh xuống thấp quá thì sẽ rất khó để vực lên. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... là ví dụ. Vì xử lý mức sinh thấp khó hơn nhiều đưa mức sinh từ cao xuống thấp. Chưa có nước nào đủ sức thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên cao.
* Nếu cho mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con, chứ không phải là quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con như hiện nay để tránh tình trạng giảm mức sinh thì liệu có dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 gia tăng?
- Cho người ta quyết định số con nhưng phải là quy mô gia đình hợp lý. Không thể có chuyện để cho người ta “sinh đẻ tràn” ra được. Tiền bạc lấy đâu ra nhiều để nuôi con cái mà sinh đẻ thoải mái được. Sinh nhiều thì xã hội phải gánh. Không thể quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” theo kiểu cũ được, mà phải là quy mô gia đình hợp lý.
* Tức là ông cho rằng vẫn phải giữ quy mô gia đình 2 con?
- Dĩ nhiên. Chứ sinh nhiều để làm gì? Năm 2014, dân số Việt Nam là 90,5 triệu; tổng tỷ suất sinh luôn dưới mức sinh thay thế kể từ năm 2006, dưới 2,1 con cho một bà mẹ. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các vùng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì mức sinh thấp trong 5-6 năm qua như TPHCM là 1,68, Cà Mau là 1,7. Ngược lại một số tỉnh như Hà Tĩnh tổng tỷ suất sinh lên đến 2,95, Quảng Trị là 2,75, Kon Tum là 2,7... Như vậy, nếu vẫn giữ quy mô như hiện nay thì sẽ phải đối mặt tình trạng giảm mức sinh, như TPHCM chẳng hạn.
Vì vậy chúng ta mới phải khuyến khích giữ quy mô gia đình hợp lý, có nghĩa là đừng để ít quá, nhưng cũng không để nhiều quá. Tôi cho rằng, vẫn phải giữ quy mô gia đình 2 con để cân bằng giới tính cũng như bảo đảm điều kiện để chăm sóc con trẻ hợp lý, toàn diện. Chứ sinh nhiều con mà để con khổ, không được chăm sóc, nuôi dạy toàn diện thì sinh nhiều làm gì.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, có vấn đề cần quan tâm là phải lưu ý các dân tộc ít người, chính sách dân số nếu không cẩn thận mà chúng ta quá cứng nhắc thì có những dân tộc sẽ bị “xóa bỏ”. Cần phải có chính sách để tồn tại giống nòi của các dân tộc ít người. Mặt khác, phải giải quyết bất lợi lớn nhất của dân số Việt Nam hiện nay.
* Bất lợi lớn nhất đó là gì, thưa ông?
- Bất lợi lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là sinh nhiều hay sinh ít, mà là vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm chuyển biến nhận thức của người dân để không xảy ra tình trạng chênh lệch giới tính. Không để cho người dân có những chệch hướng về vấn đề này như hiện nay đang xảy ra là sinh đẻ theo ý muốn, khiến cho tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh nam cao hơn trẻ sơ sinh nữ (hiện nay đã là 112 trẻ nam/100 trẻ nữ). Điều đó mới đáng quan tâm.
Tôi cho rằng, một vấn đề của Pháp lệnh Dân số của chúng ta là để cho các cặp vợ chồng tự quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh là rất đúng. Nhưng phải là lựa chọn tự nhiên. Nên nhớ, tất cả những gì không đúng quy luật tự nhiên sẽ dẫn đến mất cân bằng, trong dân số là mất cân bằng giới tính.
Ai cũng chạy theo việc sinh con trai thì sẽ dẫn đến việc mất cân bằng giới tính rất nguy hiểm. Bài học của các nước xung quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc đã cho thấy tình trạng phức tạp đến thế nào, con trai không thể lấy vợ. Bởi thế, điều mà tôi quan tâm nhất hiện nay là vấn đề mất cân bằng giới tính.
Bây giờ, sửa chính sách về dân số hay không tôi cho là chưa quan trọng. Quan trọng nhất hiện nay là phải chặn đứng được vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tiếp đến là làm sao chuyển biến được nhận thức của người dân là nên sinh đẻ theo nhu cầu tự nhiên, đừng nên áp đặt khoa học để lựa chọn giới tính.*
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Khi đưa ra chính sách hạn chế sinh con như hiện nay phải hết sức cân nhắc bởi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nước này cho thấy, không thể phục hồi được khi già hóa dân số quá sâu. Giải quyết vấn đề mức sinh thấp cũng khó hơn nhiều xử lý mức sinh cao. Vì vậy, phải tính toán thận trọng phương án, chính sách để bảo đảm quy mô dân số. Tới đây, khi thảo luận Luật Dân số, Quốc hội sẽ có ý kiến rõ ràng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Quan điểm của Bộ Y tế là vẫn giữ nguyên quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con. Trong 5 năm tới, nếu mức sinh xuống thấp hơn hiện nay thì mới xem xét nới lỏng quy định bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền được quyết định số con. Còn nếu làm ngay bây giờ, có thể sẽ dẫn tới gia tăng dân số không như mong muốn. |
PHAN THẢO