Ông Bí thư chi bộ bình dân học vụ số

Những ngày này, trong con ngõ nhỏ của khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường vang lên tiếng nói cười rộn rã của các “học viên đặc biệt” - những cô, bác, ông, bà U70, U80. Họ miệt mài học cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỏi thời tiết, chọn thực đơn, livestream trên TikTok, tìm đường, đặt xe...

Người đứng sau lớp học đặc biệt này là ông Đinh Ngọc Sơn - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9, nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

“Xóa mù AI”

Bên ly cà phê buổi sáng sớm, ông Đinh Ngọc Sơn tâm sự, ý tưởng mở lớp “xóa mù AI” bắt nguồn từ thực tế mà ông quan sát được khi mới nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Với hơn 30 năm làm giảng viên, công tác trong lĩnh vực truyền thông, ông nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI và chuyển đổi số, đang tạo ra một khoảng cách lớn giữa các thế hệ, đặc biệt với người lớn tuổi. Nhiều người cao tuổi trong khu dân cư mong muốn được học hỏi nhưng thiếu người hướng dẫn cụ thể.

“Chỉ sau hơn 10 ngày nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ, tôi nhận ra vai trò của mình không chỉ là lãnh đạo chi bộ mà còn là cầu nối, truyền cảm hứng để cộng đồng không ai bị bỏ lại trong thời đại số. Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, và tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm của mình, tôi có thể bắt đầu từ việc “xóa mù AI” cho chính những người lớn tuổi ngay tại khu dân cư. Đó là động lực để tôi mở lớp học đặc biệt này”, ông Sơn nói.

%5a.jpg
Bí thư Chi bộ Đinh Ngọc Sơn (thứ ba từ trái qua) và các học viên lớp học “xóa mù AI”. Ảnh: An Thành Đạt

“Vậy khi bắt đầu triển khai sáng kiến này, ông có gặp khó khăn gì không?”, tôi hỏi. “Có chứ! Khó khăn lớn nhất ban đầu là làm sao để người lớn tuổi tin rằng họ có thể học và sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI, vốn thường bị xem là phức tạp và chỉ dành cho giới trẻ. Nhiều người e ngại vì chưa từng sử dụng điện thoại thông minh hoặc sợ mình không theo kịp. Ngoài ra, việc tổ chức lớp học tại nhà với không gian hạn chế và không có tài trợ cũng là một thách thức”, ông trả lời.

Để vượt qua “thách thức” đó, ông Sơn bắt đầu bằng cách tạo không khí học tập thoải mái, gần gũi, không áp lực về điểm số hay bằng cấp. “Tôi sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ví dụ cụ thể như bấm vào biểu tượng micro để hỏi AI về bài hát yêu thích, để cho mọi người thấy công nghệ gần gũi. Tôi cũng khuyến khích tinh thần “nghĩ tích cực, làm tích cực”, giúp học viên vượt qua tâm lý tự ti”, ông Sơn kể.

Về không gian, ông Sơn sắp xếp các lớp học nhỏ, mỗi lớp 15-20 người, linh hoạt theo buổi sáng hoặc tối để phù hợp với lịch sinh hoạt của học viên. Sự ủng hộ từ cộng đồng và niềm vui của học viên khi học được những điều mới đã tiếp thêm động lực để ông tiếp tục.

Ông Sơn cũng cho biết, khó khăn, rào cản lớn nhất của người lớn tuổi thường gặp là về thị lực, thính lực, hoặc khả năng thao tác trên thiết bị công nghệ. Một số người còn có tâm lý lo lắng, sợ làm sai hoặc không theo kịp. Vì vậy, họ cần những nội dung thực sự thiết thực, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.

Để giải quyết những “rào cản” này, ông Đinh Ngọc Sơn đã thiết kế chương trình học ngắn gọn, mỗi khóa chỉ 3 buổi, tập trung vào các ứng dụng AI đơn giản và hữu ích. Nội dung bao gồm: cách sử dụng trợ lý ảo trên điện thoại (như hỏi về thời tiết, tìm nhạc, tra cứu thông tin), cách thanh toán trực tuyến, sử dụng ứng dụng sức khỏe để theo dõi chế độ ăn uống và cách giao tiếp với con cháu qua các ứng dụng số.

“Tôi ưu tiên phương pháp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn từng bước, đồng thời khuyến khích học viên chia sẻ kinh nghiệm với nhau để tăng sự tự tin. Mỗi lớp học luôn có không khí vui vẻ, không áp lực, để họ cảm thấy như đang khám phá chứ không phải học một thứ gì đó quá khó”, ông Sơn nói.

“Sơn ơi, chị rất thích AI”

“Người học phản hồi ra sao sau khi tham gia lớp học đặc biệt này của ông?”, tôi tiếp tục trao đổi. “Phản hồi từ các học viên rất tích cực. Nhiều người chia sẻ rằng họ cảm thấy tự tin hơn, không còn ngần ngại khi sử dụng điện thoại thông minh, hay hỏi con cháu về công nghệ. Điều khiến tôi hạnh phúc là thấy họ áp dụng những gì học được vào cuộc sống, từ việc tra cứu thông tin, thanh toán hóa đơn, đến giao tiếp với gia đình”, ông Sơn thông tin.

Một câu chuyện khiến ông Sơn xúc động là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thoa, một học viên lớn tuổi. Sau buổi học thứ nhất, bà Thoa gọi điện cho ông Sơn, hào hứng kể: “Sơn ơi, chị rất thích AI! Tối qua chị hỏi AI về chế độ ăn uống, nó kê cho chị thực đơn khoa học cả tuần!”. Bà Thoa còn chia sẻ rằng, nhờ lớp học mà bà không còn cảm thấy lạc lõng khi con cháu nói về công nghệ. Hay như ông Dương Sơn Thạc, sau khi học đã mở kênh TikTok, giờ có thể livestream các sự kiện ở cộng đồng.

Những câu chuyện như vậy khiến ông Sơn củng cố quyết tâm tiếp tục mở rộng mô hình lớp “xóa mù AI” để nhiều người lớn tuổi hơn có cơ hội tiếp cận công nghệ.

“Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là chuyện công nghệ, mà là một cuộc thay đổi về tư duy. Người bí thư chi bộ, hơn ai hết, phải là người truyền cảm hứng, kết nối, dẫn dắt và tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người lớn tuổi, tiếp cận công nghệ”, ông Sơn tâm sự. Theo ông Sơn, khi mỗi đảng viên tại cơ sở đều chủ động, thì các phong trào chuyển đổi số sẽ lan tỏa mạnh mẽ, giúp cộng đồng không bị tụt hậu.

Muốn “khai mở” nhận thức chuyển đổi số cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, đảng viên cần ba điều: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của chính mình về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó truyền đạt một cách dễ hiểu, gần gũi đến người dân; thứ hai, tổ chức các hoạt động thực tiễn, như lớp học AI miễn phí mà tôi đang thực hiện, để người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, trực tiếp trải nghiệm lợi ích của công nghệ; thứ ba, xây dựng niềm tin bằng cách kiên nhẫn, đồng hành, giúp họ vượt qua rào cản tâm lý và kỹ thuật.

“Với những người cao tuổi, quan trọng nhất, chúng ta phải khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, để họ thấy rằng “già không học mới là già thật”, ông Sơn chia sẻ.

Dự án lớp “Xóa mù AI” của ông Đinh Ngọc Sơn tại khu dân cư số 9 hiện đã hỗ trợ cho gần 100 người cao tuổi tiếp cận chuyển đổi số và AI. Dự án đang lan tỏa ra các phường xung quanh. Quận ủy quận Cầu Giấy vừa trao Giấy khen cho Chi bộ số 9 và cá nhân Bí thư Đinh Ngọc Sơn vì thành tích xuất sắc trong “xóa mù AI”, giúp người cao tuổi tiếp cận công nghệ hiệu quả.

a9f94b43696ec9907801fbae36c88a49.JPEG

Tác giả CHÍ HIẾU

Bình chọn bài viết

Bài viết mới